Chuyên gia Belarus so đo Su-30SM với F-16

Su-30SM là máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi siêu cơ động, được trang bị 2 động cơ phản lực có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP

Nga đã bắt đầu thực hiện hợp đồng chuyển giao một loạt máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM thế hệ mới nhất của mình cho Belarus, nhưng một số nhà phân tích đưa ra quan ngại về chi phí trong toàn bộ vòng đời của chiếc chiến đấu cơ, từ chế tạo cho đến bảo trì.

Ấn phẩm Lenta.ru hôm thứ Sáu đưa ý kiến một chuyên gia bày tỏ mối quan tâm của họ về máy bay chiến đấu do Nga đề xuất cho Belarus để thay thế phi đội MiG-29 cũ kỹ từ thời Liên Xô.

Tiêm kích đa năng Su-30SM của Không quân Belarus

Tiêm kích đa năng Su-30SM của Không quân Belarus

Ông Andrey Porotnikov, người đứng đầu trang Belarus Security Blog cho biết, chi phí vận hành và hỗ trợ đảm bảo chiến đấu của máy bay Nga đắt hơn nhiều so với tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.

"Và bây giờ, tóm lại giá máy bay (khoảng 50 triệu USD), việc duy trì khả năng chiến đấu cũng như hiện đại hóa sẽ yêu cầu số tiền từ 185 đến 210 triệu USD cho mỗi chiếc tiêm kích trong 35 năm tới. Ước tính chi phí cho cả phi đội (12 chiếc Su-30SM) sẽ nằm trong khoảng 2,22 tỷ - 2,52 tỷ USD, số tiền này không hề nhỏ", ông Porotnikov tuyên bố.

Tiêm kích F-16 được cho là có chi phí khai thác toàn vòng đời rẻ hơn so với MiG-29

Điểm khác của máy bay chiến đấu được sản xuất tại Nga là động cơ AL-31FP, sẽ yêu cầu tổng công 6 động cơ trong toàn vòng đời Su-30SM (hai trong số chúng đã được cài đặt và thanh toán tại thời điểm mua).

Tình huống này trong ấn phẩm được giải thích là do động cơ máy bay của Liên Xô (Nga) có truyền thống kém hơn phương Tây không chỉ về hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu mà còn liên quan đến quá trình sửa chữa và chi phí vận hành toàn vòng đời.

"Không quân Ba Lan đồng thời vận hành máy bay chiến đấu 2 động cơ MiG-29 của Liên Xô và F-16 1 động cơ đơn Mỹ. Người ta cho rằng tiêm kích Mỹ sẽ bay hết 35 năm với duy nhất động cơ được cài đặt ban đầu.

Thật không may, điều này không xảy ra với MiG-29 khi 8 động cơ sẽ phải được thay thế trong cùng thời gian", nhà phân tích giải thích. Dĩ nhiên, ông ta đã so sánh với MiG-29 đã loại biên chứ không phải với Su-30SM.

Theo TASS, Su-30SM là máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi siêu cơ động, được trang bị 2 động cơ phản lực có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP. Máy bay chiến đấu có tầm hoạt động 1.500 km và thời gian của chuyến bay là 3,5 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/chuyen-gia-belarus-so-do-su-30sm-voi-f-16-3392436/