Chuyên gia: BRI của Trung Quốc thách thức kinh tế, chủ quyền của nhiều quốc gia

Việc rơi vào vòng xoáy nợ nần của 'con Rồng châu Á' Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chủ quyền và số phận người dân của những quốc gia đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 8/10. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Đây là nhận định được ông Junaid Qureshi, Giám đốc Quỹ châu Âu về Nam Á tại Rotterdam đưa ra tại sự kiện “Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc: Bạo lực chực chờ tại Nam Á” ở Đại học Erasmus, Hà Lan.

Nam Á, với diện tích hơn 3,2 triệu km2 và là nơi cư trú của hơn một phần tư dân số thế giới, đã hứng chịu nhiều xung đột sắc tộc, chiến tranh ác liệt kéo dài và bạo lực cực đoan. Ông Junaid cho biết: “Sau hơn 4 năm kể từ khi bắt đầu Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), đã đến lúc đánh giá nỗ lực của Trung Quốc và Pakistan trong việc thực hiện dự án 15 năm đầy tham vọng, với trị giá 62 tỷ USD này”.

Ông khẳng định: “Đầu tiên, cái giá của CPEC có thể là chủ quyền, độc lập quốc gia nếu Islamabad không thận trọng xem xét những thỏa thuận tài chính phải tuân thủ; thứ hai, việc áp dụng các điều khoản và thỏa thuận của phía Trung Quốc khó có thể là tình huống ‘cùng thắng’. Thỏa thuận cho thuê Cảng Gwadar thể hiện rõ điều này, khi 91% lợi nhuận từ đây sẽ chảy vào túi Bắc Kinh 40 năm tới”.

Chuyên gia Junaid cũng nhấn mạnh lực lượng lao động nhập cư Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong các dự án của CPEC, trong khi Chính phủ Pakistan đã thu hồi đất của người dân địa phương tại khu vực Gilgit Baltistan, Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan trên danh nghĩa phát triển và sắp xếp việc làm.

Theo ông, trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển, Pakistan đã dựa nhiều vào viện trợ nước ngoài từ các tổ chức tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, cuộc “kết hôn” với Trung Quốc cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi khoản nợ khổng lồ có thể khiến hệ thống tài chính của Pakistan sụp đổ và khiến nước này trở nên phụ thuộc hơn. Ngoài ra, sự xuất hiện của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tại các thị trường địa phương đang khiến nhiều doanh nghiệp Pakistan phải đóng cửa.

Lịch sử quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi cho thấy Bắc Kinh rất thận trọng trong đầu tư nước ngoài, theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng ban đầu, nhưng vô cùng quyết đoán khi thu hồi nợ. Islamabad có thể ký kết CPEC, tưởng rằng có thể gặt hái lợi ích, nhưng lại vướng vào thỏa thuận không công bằng với những hậu quả khó lường.

Một diễn giả khác tại sự kiện, ông Haris Zargar, nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc tế tại Đại học Erasmus đã thảo luận về tác động của CPEC đối với địa chính trị và an ninh của khu vực Nam Á.

Ông Burzine Waghmar, thành viên của Viện Nghiên cứu Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu về Pakistan, nhấn mạnh rằng hiện Pakistan nợ Trung Quốc 6,7 tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi khoản nợ dành cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2,8 tỷ USD.

Trong khi Pakistan nhiệt tình đón nhận khoản vay từ Trung Quốc, họ đang nhìn vào lợi ích ngắn hạn nhằm vượt qua khủng hoàng tài chính trước mắt, mà bỏ qua tác động trung và dài hạn, cũng như ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh với Islamabad.

Minh Quân

(theo Times of India)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-bri-cua-trung-quoc-thach-thuc-kinh-te-chu-quyen-cua-nhieu-quoc-gia-103082.html