Chuyên gia Bùi Xuân Phong: 'Văn hóa doanh nghiệp là vũ khí quản trị nguồn nhân lực'

Khi làm tư vấn và đào tạo nhân sự, anh Bùi Xuân Phong không giấu được những đau đáu về câu chuyện quản trị nhân sự hiệu quả. Theo anh Phong, không ít doanh nghiệp đã vượt qua những giai đoạn khó khăn không phải bằng sức mạnh tài chính mà bằng một yếu tố đóng vai trò cốt lõi: Văn hóa doanh nghiệp.

Anh Bùi Xuân Phong nguyên là Tổng Giám đốc SAM Tuyền Lâm Golf & Resorts. Anh có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn tại Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có các thương hiệu khách sạn như: Sunway, Nikko và InterContinental. Ngoài ra, anh còn là tác giả của nhiều đầu sách, trang mạng xã hội được nhiều bạn trẻ, người làm ngành dịch vụ… quan tâm.

Là một tổng giám đốc kinh doanh, là một doanh nhân, chuyên gia cố vấn cho các dự án quản trị nhân sự... bận rộn vậy nhưng gần đây anh lại dành nhiều thời gian viết sách?

Lúc trước, tôi học chuyên Văn ở bậc phổ thông nên vốn có khiếu văn chương. Sau này, đi làm, có cơ duyên được lĩnh hội những kiến thức và kinh nghiệm từ các bậc thầy, cộng với khả năng tự học nên tôi tự đúc kết được những kiến thức phổ quát và minh họa được bằng những ví dụ mà tôi đã được thực chứng.

Khi làm tư vấn và đào tạo nhân sự, tôi nhận thấy tài liệu quản trị kinh doanh theo chuẩn quốc tế có nhiều nhưng chưa phù hợp với thông lệ Việt Nam khiến người đọc khó khăn trong việc ứng dụng thực tế.

Bởi vậy, tôi cố gắng dành thời gian viết lại những kiến thức mình có và những kinh nghiệm mình đã trải qua nhằm chia sẻ đến đông đảo bạn đọc không chỉ ở khu vực mình sống mà trên toàn quốc.

Anh Bùi Xuân Phong có 15 năm kinh nghiệm làm trong ngành khách sạn tại Việt Nam, Nhật.

Anh từng chia sẻ, “văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của cấu trúc bộ máy, là tổng hợp các tầng, các lớp định hình và định tính chứ không phải do ý chí của lãnh đạo mà thành…”. Vậy theo anh, như thế nào là một văn hóa doanh nghiệp được xây dựng chuyên nghiệp thực thụ?

Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng chuyên nghiệp sẽ hội đủ 3 hệ thống giá trị, gồm: Giá trị hữu hình, giá trị chiến lược và giá trị nhận thức. Ở đó, những giá trị hữu hình gồm những điều có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận bằng giác quan như cơ sở vật chất, đồng phục nhân viên, ánh mắt và nụ cười của nhân viên, nội quy nhân viên, các nghi lễ, các sự kiện, các hoạt động đào tạo…

Những giá trị chiến lược gồm những biểu hiện của tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi thông qua những việc làm, hành động tạo niềm tin cho cán bộ, nhân viên và khách hàng về những điều mà tổ chức đang theo đuổi và hướng tới. Những giá trị nhận thức là những quy tắc và cam kết bất thành văn về cách hành xử, biểu hiện, thói quen… trong tổ chức.

Khi những giá trị cốt lõi, gồm giá trị hữu hình, giá trị chiến lược và giá trị nhận thức, đã thực sự trở thành văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và tự nhiên thì dù có đổi lãnh đạo cũng khó thay đổi được văn hóa, trừ phi doanh nghiệp đó thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cấu trúc tổ chức, dẫn đến thay đổi văn hóa.

Năm 2020, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy anh đã có “lời giải nào” để doanh nghiệp mà anh đang quản trị xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt thích nghi và phát triển bền vững tiến về phía trước?

Theo tôi, những doanh nghiệp có vận hành kinh doanh chuyên nghiệp thì sẽ có sự chuẩn bị sẵn sàng chuẩn bị Quỹ dự phòng rủi ro để duy trì hoạt động tối thiểu vượt qua giai đoạn khó khăn hoặc có thể bình tâm xem xét những cơ hội thay đổi để ứng phó tình hình mới.

Đồng thời, công việc kinh doanh ổn định thì các doanh nghiệp ấy càng có điều kiện tập trung chăm lo cho đời sống cán bộ, nhân viên bằng các chính sách về sức khỏe và nâng cao năng lực đội ngũ bằng các hoạt động đào tạo. Theo tôi, những doanh nghiệp ấy luôn có “lời giải” trước mọi khó khăn cũng như cơ hội để linh hoạt thích nghi và phát triển bền vững.

Anh Bùi Xuân Phong giao lưu cùng sinh viên trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM.

Với chiều sâu của một chuyên gia, anh có thể chia sẻ những lời khuyên dành cho các bạn trẻ thế Y và Z cần chuẩn bị kỹ năng gì để thích nghi với bối cảnh mới để tìm được cơ hội việc làm?

Theo tôi, ngày nay, thế hệ Y và thế hệ Z có nhiều điều kiện về học vấn và lợi thế về nghề nghiệp hơn những thế hệ trước. Nhưng các bạn cũng gặp những thách thức lớn hơn những thế hệ trước về thái độ làm việc và cạnh tranh công việc.

Các bối cảnh của xã hội và công việc luôn thay đổi cũng như tôi vẫn nói “nghề chọn người chứ người không chọn được nghề”, các bạn trẻ cần có sức khỏe và vốn ngoại ngữ là hai năng lực cốt lõi dẫn dắt đến những năng lực và những cơ hội khác. Bởi vì, sức khỏe để không bao giờ gục ngã về thể chất và tinh thần. Và nhờ vốn ngoại ngữ, các bạn có thể tiếp cận tri thức nhân loại và ứng dụng vào công việc thực tiễn trong tương lai.

Mới đây, trong quyển sách “Tuyển đúng, dùng hay” và các quyển sách trước, chắc hẳn, anh rất tâm tư về bức tranh nguồn nhân sự thuộc thế hệ Y và Z? Vì sao?

Theo tôi, thế hệ Y và thế hệ Z là những thế hệ “vượt sướng để thành công”. Con người vì khổ mà cần phải lao động và khi được lao động thì tìm thấy niềm vui sướng của mình. Những quyển sách gần đây nói chung, hay quyển Tuyển đúng dùng hay tôi mới xuất bản nói riêng… tưởng chừng như viết cho người làm nhân sự nhưng tôi nghĩ sinh viên, thế hệ trẻ cũng nên đọc, hy vọng nó là “đòn bẩy” cho những thay đổi trong tư duy của họ.

Đồng thời, tôi cũng muốn tranh thủ cập nhật một số kiến thức quan trọng và văn hóa doanh nghiệp với cách diễn đạt gần gũi nhất. Tôi nghĩ, ngày nay, nhân tài chọn doanh nghiệp để tạo giá trị và phát triển nghề nghiệp chứ không phải là ngược lại. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dịch vụ đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp sẽ tạo được môi trường minh bạch và linh hoạt, gắn kết và trao quyền thì bản thân điều này đã là giải pháp “well-being” và “work-life balance” dành cho người lao động thế hệ Y và thế hệ Z.

Xin cảm ơn anh!

Bình Nguyễn (thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chuyen-gia-bui-xuan-phong-van-hoa-doanh-nghiep-la-vu-khi-quan-tri-nguon-nhan-luc-post1319310.tpo