Chuyên gia cảnh báo sóng thần có thể tiếp tục tấn công Indonesia

Các chuyên gia địa chất cảnh báo một con sóng thần khác có thể tấn công Indonesia một ngày sau thảm họa sóng thần ở eo biển Sunda khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Cảnh tan hoang sau trận sóng thần hôm 22/12.

Chuyên gia địa chất Richard Teeuw tới từ Đại học Portsmouth ở Anh cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần ở eo biển Sunda vẫn còn rất cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang hoạt động mạnh. Nó đang trở nên bất ổn sau đợt phun trào mạnh, có thể tạo ra thêm nhiều trận lở đất dưới lòng biển.

Anak Krakatoa, ngọn núi lửa trẻ hình thành trong lòng núi lửa Krakatau ở ngoài khơi eo biển Sunda, đã phun trào 24 phút trước khi sóng thần ập tới vào tối 22/12. Thảm họa khiến 222 người chết và 843 người bị thương, trong khi 28 người vẫn đang mất tích.

Theo chuyên gia Teeuw, chính quyền Indonesia cần lập bản đồ địa hình đáy biển xung quanh núi lửa Anak Krakatau để dự báo nguy cơ lở đất, nhưng quá trình này sẽ cần nhiều tháng để lên kế hoạch và thực hiện.

Trận sóng thần đã để lại hậu quả khủng khiếp và không được cảnh báo trước một phần do không đi kèm động đất. Tuy có cường độ tương đối nhỏ nếu so với sóng thần do động đất dưới đáy biển gây ra, trận động đất này đặc biệt nguy hiểm vì gần như không có dấu hiệu cảnh báo. “Những cơn sóng thần như vậy cũng thường cuốn theo nhiều đất đá và mảnh vụn, tăng sức phá hoại với những thị trấn ven biển“, chuyên gia Teeuw nói.

Giới chức Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần mà thông báo đây chỉ là hiện tượng triều cường và khuyên người dân không cần hoảng loạn.

Sutopo Purwo Nugroho, đại diện Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), đã xin lỗi công chúng về thông báo nhầm, nói rằng các cơ quan địa chất không phát hiện động đất nên khó xác định nguy cơ xảy ra sóng thần.

“Chúng ta thường bất lực trước những sự kiện bất ngờ như vậy. Thời gian xác định nguyên nhân và hậu quả chỉ vài chục phút, quá ngắn để cảnh báo báo mọi người”, nhà nghiên cứu địa chất và núi lửa Jacques-Marie Bardintzeff cho biết.

Theo ông Bardintzeff, một trong các giải pháp được cân nhắc là đặt phao cảnh báo vốn có nhiệm vụ cảnh báo sóng thần bắt nguồn từ trận động đất xảy ra ở ranh giới mảng kiến tạo dưới nước tại khu vực. Nhưng ngay cả khi đặt một chiếc phao như vậy cạnh Anak Krakatoa, khoảng thời gian mà thiết bị này đưa ra cảnh báo cho tới khi sóng thần ập tới là rất ngắn.

Còn theo Simon Boxall, nhà nghiên cứu thuộc đại học Southampton ở Anh, thiệt hại nặng nề ở Indonesia một phần do sóng thần diễn ra trùng thời điểm triều cường.

Sóng thần tấn công một số vùng bờ biển đúng lúc thủy triều lên cao nhất và làm trầm trọng thêm thiệt hại. Cơn sóng cũng xảy ra vào buổi tối, khiến nhiều người dân bị bất ngờ”, ông Boxall cho hay.

Bích Kiên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-song-than-co-the-tiep-tuc-tan-cong-indonesia-4311045.html