Chuyên gia chỉ chỗ vay tiền hợp pháp, để không mắc bẫy tín dụng đen

Kinhtedothi – Nạn tín dụng đen đang là vấn đề rất nóng trong xã hội, nhất là với công nhân lao động. Tại buổi Đối thoại 'Nâng cao kiến thức trong pháp luật và nhận diện tín dụng đen', ngày 31/5, các chuyên gia chia sẻ cách xử lý khi bị đòi nợ và chỉ chỗ vay tiền hợp pháp.

Buổi Đối thoại do báo Lao động Thủ đô phối hợp tổ chức, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an thông tin, trên không gian mạng có rất nhiều người mời chào cho vay tiền. Nếu họ chỉ dừng lại ở hành động cho vay thì chưa sai nhưng khi cho vay với lãi suất cao thì cần cơ quan vào cuộc, làm rõ. Không chỉ thế, còn có tình trạng, những người không liên quan khoản vay cũng bị khủng bố.

Thượng tá công an Đào Trung Hiếu cho biết, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó . Ảnh: LĐTĐ.

Thượng tá công an Đào Trung Hiếu cho biết, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó . Ảnh: LĐTĐ.

Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện: Người cho vay cho phép đối tượng vay truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội. Khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ, là vi phạm pháp luật.

Theo quy định pháp luật, người có hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật bị xử phát 10 – 30 triệu đồng. Với những tình huống nghiêm trọng, chủ thể bị xử lý về tội làm nhục, vu khống người khác. Chế tài đã có nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng quấy rối như trên.

Người lao động hỏi chuyên gia về cách xử lý khi bị những đối tượng liên quan tín dụng đen đòi tiền. Ảnh: LĐTĐ.

Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyên mọi người, khi nhận được những cuộc gọi thúc ép đòi nợ thì trả lời không liên quan đến khoản vay. Khi bị gọi quá nhiều, bạn thực hiện chặn số cuộc gọi lạ. Đối tượng sử dụng ảnh của người vay, người không liên quan đến khoản vay để tung lên mạng thì có thể yêu cầu gỡ bỏ những hình ảnh bất lợi với mình. Khi đối tượng không thực hiện thì bạn cần có các biện pháp pháp lý cần thiết như chụp ảnh màn hình, lập vi bằng, gửi thông tin đến Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó. Nếu trường hợp lãi suất cho vay quá 5 lần mức 20%/năm là cấu thành tội cho vay lãi nặng.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng thông tin với người lao động về Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô.

Trước thực tế nhiều công nhân muốn biết chỗ vay tiền hợp pháp để tránh xa tín dụng đen, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết: Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức để giúp công nhân lao động nhận diện và tránh xa vào bẫy của tín dụng đen.

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã thành lập và duy trì hoạt động Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô, với mục đích hỗ trợ vốn vay vào các hoạt động: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề; mức vay từ 40 đến 50 triệu đồng. Ưu điểm của Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô là lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thuận tiện. Để có thể vay vốn từ Quỹ trợ vốn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục.

“Hàng năm, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thường chi từ 100 - 200 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động khó khăn, riêng trong tháng 5 - Tháng Công nhân năm nay, Liên đoàn Lao động TP đã chi 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động khó khăn”- ông Tạ Văn Dưỡng cho hay.

Ngoài ra, tổ chức Công đoàn cũng triển khai Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động nghèo vay vốn, tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bằng tiền mặt để giúp san sẻ phần nào, vơi khó khăn.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-chi-cho-vay-tien-hop-phap-de-khong-mac-bay-tin-dung-den.html