Chuyên gia đề xuất 5 cách tiếp cận mới đón dòng du khách Trung Quốc trở lại

Du khách Trung Quốc bắt đầu quay trở lại với thị trường du lịch quốc tế kể từ 8/1. Thông báo mới nhất cho biết các tour du lịch theo nhóm dự kiến được nối lại từ ngày 6/2 và đà phục hồi được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn từ khoảng tháng 7 tới đây.

Du khách Trung Quốc đang ưu tiên tới những điểm đến châu Á không áp dụng các biện pháp phòng COVID-19 "khác biệt" với họ, ví dụ như Thái Lan. Ảnh: TTG Asia

Du khách Trung Quốc đang ưu tiên tới những điểm đến châu Á không áp dụng các biện pháp phòng COVID-19 "khác biệt" với họ, ví dụ như Thái Lan. Ảnh: TTG Asia

Trung Quốc khởi động thí điểm trở lại tour du lịch theo nhóm từ 6/2

Theo thông báo mới nhất của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài sẽ được các công ty du lịch và nhà điều hành tour Trung Quốc khởi động thí điểm trở lại từ ngày 6/2. Với 20 quốc gia được chỉ định là những điểm đến thí điểm tour du lịch theo nhóm bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, New Zealand, Fiji, Cuba và Argentina.

Thời trước COVID-19, Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, từng thực hiện 170 triệu chuyến đi và đóng góp 253 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2019.

Năm 2023, theo Viện Nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc (Cotri), du khách Trung Quốc sẽ thực hiện 110 triệu chuyến du lịch ra nước ngoài, đạt khoảng 2/3 mức của năm 2019. Dòng du khách Trung Quốc đổ ra nước ngoài sẽ gia tăng gấp bội trước thềm các Tuần lễ Vàng du lịch dịp Trung Thu và Quốc khánh (từ 29/9 đến 6/10).

Du khách Trung Quốc xem màn trình diễn tại phố cổ Qilou (Haikou, Hainan) dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Xinhua

Du khách Trung Quốc đón Giao thừa và chào năm mới 2023 tại Bến Thượng Hải. Ảnh: Getty

Trước đó, theo tin ngày 2/2 từ Tân Hoa Xã, dù đã chuyển hướng tập trung hơn vào đoàn tụ gia đình và du lịch trong nước dịp Tết Nguyên đán 2023, du khách Trung Quốc cũng đã thực hiện gần 2,9 triệu chuyến đi xuyên biên giới (tăng 120,5%) cùng 308 triệu chuyến đi nội địa (tăng 23,1%) so với cùng kỳ năm 2022.

Sự trở lại của dòng chảy du khách Trung Quốc ra nước ngoài được đánh giá sẽ là cú hích cho nền kinh tế toàn cầu. Kết quả cuộc khảo sát mới nhất vừa được hãng tiếp thị và dữ liệu Dragon Trail International thực hiện cho thấy: Hơn 50% số du khách Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng đi du lịch ngay khi các hạn chế được dỡ bỏ; 32% đã lên kế hoạch du lịch cho 2 năm 2023-2024; hơn 50% dự định chi tiêu nhiều hơn so với thời trước COVID-19.

Sự trở lại của dòng du khách Trung Quốc hứa hẹn mạnh mẽ hơn từ mùa Hè tới, theo nhận định của báo TTG Asia, "sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực du lịch năm 2023".

Những cách tiếp cận mới với du khách Trung Quốc "thời hậu COVID-19"

Đón đầu xu hướng này, hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời CEO Cotri - ông Wolfgang Georg Arlt lưu ý: "Du khách Trung Quốc ra nước ngoài sẽ không giống như trước đây. Các điểm đến cần được chuẩn bị và thích nghi với điều này".

Theo đó, các điểm đến quốc tế cần có những cách tiếp cận mới phù hợp hơn với du khách Trung Quốc "thời hậu COVID-19", tập trung vào 5 điểm chính.

Indonesia đang thu hút du khách Trung Quốc tới Bali năm 2023, qua các kết nối từ Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: TTG Asia

Đa dạng hóa việc phục vụ

Cần đa dạng hóa để phục vụ các phân khúc du khách Trung Quốc hiện khá khác nhau. Trước mắt làn sóng du lịch nước ngoài đầu tiên năm 2023 sẽ là các du khách đi độc lập, có kinh nghiệm. Chủ yếu thuộc thế hệ millennials (sinh từ khoảng 1980 đến đầu thập niên 2000, là lực lượng lao động chủ đạo hiện tại), Gen-Z (sinh từ 1997-2012) và du khách hạng sang.

Buông bỏ mass tourism (du lịch đám đông kiểu đại chúng)

Liên quan trực tiếp đến việc tăng cường phân khúc thị trường là sự giảm dần mass tourism (du lịch đám đông). Tuy nó không biến mất hoàn toàn, nhưng cũng theo phân tích của ông Arlt, các tour theo nhóm lớn có thể chỉ thu hút khách Trung Quốc đến từ các thành phố nhỏ, chưa hoặc ít có kinh nghiệm trước đó. Còn du khách từ các thành phố lớn không ấn tượng với cách tiếp cận của mass tourism.

Giao tiếp an toàn

Điểm đến an toàn được xếp hạng quan trọng thứ nhì đối với du khách Trung Quốc, với 63% nói họ ưu tiên cho tiêu chí này. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa với phân khúc du khách độc lập đầu tiên ra nước ngoài, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1.

"Đây là thời điểm quan trọng, bởi thực sự là cơ hội để tạo ấn tượng ban đầu mới. Trải nghiệm của những du khách đầu tiên có thể ảnh hưởng nhiều hơn với những du khách đến sau" - ông Parulis-Cook của Dragon Trail nhấn mạnh.

Trải nghiệm hiking (đi bộ đường dài) cùng các điểm lưu trú mới được nâng cấp, khiến du lịch mạo hiểm Nepal được nhiều du khách Trung Quốc lựa chọn năm 2023. Ảnh: David Ducoin

"Cuộc chơi không còn là đi đến những nơi mọi người đến, mà là khám phá và tìm ra những địa điểm trước đây không nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm" - CEO Cotri - ông Wolfgang Georg Arlt chia sẻ. Ảnh: Martin Harvey

Mang lại những trải nghiệm giá trị

Nếu như thời trước COVID-19 những khoản chi tiêu lớn của du khách Trung Quốc được cho là ấn tượng, thì nay tạo ấn tượng là chi tiêu cho trải nghiệm và học hỏi được thông qua làm điều gì đó, chứ không chỉ là cho thấy sự giàu có. Theo khảo sát của Dragon Trail, 88% du khách Trung Quốc cho biết họ quan tâm hơn tới tác động của mình với các điểm đến và cộng đồng khi đi du lịch.

Giảm "rào cản" visa (thị thực)

Thuận tiện được cho là yếu tố quan trọng thứ ba, theo khảo sát của Dragon Trail. Test (xét nghiệm) COVID-19 thực ra không phải là vấn đề với du khách Trung Quốc, mà điều họ muốn là đơn giản hóa quy trình cấp visa. Ví dụ như cấp visa điện tử, cấp visa khi nhập cảnh hoặc không yêu cầu visa sẽ thu hút nhiều du khách Trung Quốc hơn.

Nguồn: TTG Asia, Bloomberg

Thanh Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-gia-de-xuat-5-cach-tiep-can-moi-don-dong-du-khach-trung-quoc-tro-lai-17923020311252892.htm