Chuyên gia dịch tễ lý giải vì sao dịch tay chân miệng đang tăng bất thường

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài nguyên nhân dịch tay chân miệng đang vào mùa cao điểm thì việc dịch chuyển thứ nhóm gien của chủng virus EV71 khiến cộng đồng chưa có miễn dịch…

Dịch tay chân miệng đang diễn biến bất thường và có nguy cơ lan rộng

Tính đến hết tháng 9-2018, cả nước đã ghi nhận hơn 53.000 người bị tay chân miệng, 77% là ở các tỉnh phía Nam và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế cũng nhận định, dịch tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường và có nguy cơ lan rộng.

Vậy tại sao dịch tay chân miệng lại đang có diễn biến bất thường? Liệu virus tay chân miệng có sự biến đổi để tạo thành chủng virus mới nguy hiểm hơn?

Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do thời điểm này đang là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Bệnh này thường được ghi nhận rải rác quanh năm nhưng tăng cao vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 11.

Thứ hai, nếu như các năm trước bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì 2 năm trở lại đây, số ca bệnh lại tăng cao ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đặc biệt, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gien của virus gây bệnh tay chân miệng.

Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng virus EV71).

Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71.

Theo PGS.TS Lân, bệnh nhân nhiễm virus EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virus EV71.

Cũng theo các chuyên gia về y tế dự phòng, một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch tay chân miệng bao gồm: mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày…

Mặt khác, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa tay chân miệng do nhiễm virus EV71.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chuyen-gia-dich-te-ly-giai-vi-sao-dich-tay-chan-mieng-dang-tang-bat-thuong/785129.antd