Chuyên gia dinh dưỡng bày cách xóa nỗi lo ăn Tết 'sướng miệng, thiệt thân'

Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc đảo lộn thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày dịp Tết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe từ trẻ nhỏ đến người lớn.

Trong ngày Tết truyền thống của người Việt, các bữa ăn hầu hết có các món giàu đạm và năng lượng

Trong ngày Tết truyền thống của người Việt, các bữa ăn hầu hết có các món giàu đạm và năng lượng

Nỗi lo con béo - gầy bất thường

Nhắc đến Tết, chị Nguyễn Lan Hương (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) lại lắc đầu đầy ngao ngán, kể về dịp Tết năm ngoái: “Hai đứa con, đứa lớn ngấp nghé béo phì, còn đứa nhỏ thì còi cọc, nay ốm, mai đau.

Từ 30 đến hết ngày mùng 4 Tết, chồng thì lo đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, còn riêng mình tất bật lo cỗ bàn, cúng bái, gần như chẳng còn thời gian nào dành cho con cái. Hai đứa con vạ vật, tiện gì ăn nấy. Hết Tết, đứa lớn thì béo nứt đến phát hoảng, còn đứa bé thì phải cho đi khám dinh dưỡng vì vốn còi cọc lại thêm lười ăn, dặt dẹo lăn ra ốm. Nay nghĩ về quê lo Tết lại thấy nản vô cùng”.

Chia sẻ về tình cảnh trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đây cũng là trường hợp thường gặp tại các phòng khám dinh dưỡng sau những ngày nghỉ Tết.

“Trẻ thừa cân vốn rất có “tâm hồn ăn uống” nên khó lòng từ chối sự hấp dẫn của nhiều món giàu đạm và năng lượng trong ngày Tết. Do đó, trẻ dễ tăng cân chỉ sau vài ngày. Ngược lại, trẻ gầy thường vốn lười ăn, mấy ngày Tết, bốc bải vài cái kẹo, mứt tạo cảm giác đầy bụng, sẽ bỏ các bữa ăn chính hoặc chỉ ăn rất ít, dễ sụt cân sau Tết.

Đây là nỗi lo của không ít các bà mẹ. Bởi, với trẻ nhỏ mắc béo phì thường đối mặt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, hay các bệnh tim mạch sau này, còn trẻ còi cọc lại thường vướng vào vòng “luẩn quẩn” bệnh tật “lười ăn - đề kháng kém - dễ mắc bệnh”, bà Lâm khuyến cáo.

Bà Lâm cũng cảnh báo tình trạng lên cân khó kiểm soát còn xảy đến với cả người lớn trong những ngày Tết. Trong khi đó, thừa cân béo phì được đánh giá là nguyên nhân đứng hàng đầu của bệnh mãn tính không lây như: Huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2…

Theo phân tích của bà Lâm, ngày Tết truyền thống của người Việt, các bữa ăn hầu hết có các món đều giàu đạm và năng lượng. Ví dụ, bánh chưng có gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh… tương đương 1.500 - 1.600 kalo, nếu một người ăn 1/4 bánh là đã nạp vào cơ thể 400 kalo, mà chưa kể tới các món khác cũng giàu đạm và năng lượng không kém. Trong khi, một bữa ăn chính theo tiêu chuẩn chỉ cần 600 - 700 kalo là vừa đủ.

“Nếu như ăn uống không có tiết chế và kết hợp vận động hợp lý thì sau dịp Tết đa phần mọi người sẽ phải đối mặt với câu chuyện tăng cân, thừa cân”, bà Lâm nói và khuyến cáo, dù là ngày Tết nhưng vẫn nên duy trì chế độ ăn cân đối có đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Đồng thời, cần phải chú ý tới chế độ ăn để tránh dư thừa năng lượng kết hợp duy trì hoạt động thể dục.

Với trẻ nhỏ, thừa cân hay còi cọc cũng đều cần có sự chăm sóc, kiểm soát của cha mẹ. Do vậy, nên duy trì đều đặn các bữa ăn trong ngày và hạn chế trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt, mứt, bánh, kẹo, nước ngọt, riêng trẻ béo phì cần hạn chế thêm các món bánh chưng, đồ ăn nhanh.

Bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường cần cẩn trọng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với các bệnh nhân mắc căn bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, nếu chỉ “buông mình” chút xíu trong mấy ngày Tết là nguy cơ bệnh tăng nặng hiện hữu ngay tức thì. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cần biết đặc tính từng loại thực phẩm để có sự lựa chọn thích hợp, bảo vệ sức khỏe của mình.

Điển hình món bánh chưng, dưa hành, củ kiệu… sẽ không tốt cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và đái tháo đường, vì có nhiều chất béo động vật. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường không nên dùng quá 200g bánh chưng (tương đương khoảng 1/8 chiếc bánh chưng)/ngày và phải tiết giảm lượng thức ăn trong ngày. Còn đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu ăn dưa hành, củ kiệu nên dùng loại ngâm bằng giấm đường để giảm hàm lượng muối.

Các món thịt nguội, giò chả, chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe. Do vậy, các bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp nên hạn chế sử dụng, không quá 100g mỗi ngày.

Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao, chủ yếu là nhóm đường đơn, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Đối với bệnh nhân mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng vài miếng. Ngược lại, không nên sử dụng với nhóm bệnh nhân đường huyết kiểm soát kém.

Ngay với trái cây vốn là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong ngày Tết, bệnh nhân đái tháo đường không nên dùng quá 2 suất trái cây/ngày, các loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần. Mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…

“Tóm lại, với các bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ 3 bữa chính trong ngày; đồng thời duy trì đều đặn thuốc uống điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh để “sướng miệng, thiệt thân”, BS. Hưng khuyến cáo.

Anh Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-dinh-duong-bay-cach-xoa-noi-lo-an-tet-suong-mieng-thiet-than-d449177.html