Chuyên gia Đức: Lạc quan về kinh tế Việt Nam

Chia sẻ với TG&VN, Tiến sĩ người Đức Rainer Zitelmann khẳng định, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới. (Nguồn: Vietnamnet)

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới. (Nguồn: Vietnamnet)

Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng 8% của kinh tế Việt Nam năm 2022? Liệu Việt Nam có giữ được nhịp tăng trưởng đó trong năm nay không?

Tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán ngắn hạn nào, nhưng tôi tin, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Điều kiện tiên quyết để đạt được điều này là nền kinh tế tiếp tục đi theo con đường kinh tế thị trường.

Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời đến nỗi, tôi đã chọn đất nước này để viết trong cuốn sách của mình. Cuốn sách viết về Việt Nam và Ba Lan, trong đó, tôi giải thích rằng, hai quốc gia này là hình mẫu cho các quốc gia khác muốn thoát nghèo.

Vào cuối năm 1993, 79,7% dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói. Đến năm 2006, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50,6% và năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn 5%.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới, với nền kinh tế sôi động, tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời cho những người lao động chăm chỉ và các doanh nhân trên khắp thế giới.

Từ một quốc gia không thể sản xuất đủ gạo cung cấp cho người dân trước khi bắt đầu cải cách thị trường, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng điện tử quan trọng.

Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì trong năm nay?

Việt Nam nên lấy gợi ý từ bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) nghiên cứu. Điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam được mô tả rõ ràng ở đó.

Cụ thể, Việt Nam được xếp hạng cao trong các lĩnh vực như Sức khỏe tài chính, Chi tiêu của Chính phủ và xếp hạng vừa phải cho Tự do kinh doanh, Tự do tiền tệ; song xếp hạng chưa tốt trong các chỉ số như Chính phủ liêm chính, Hiệu quả tư pháp, Quyền sở hữu và Tự do đầu tư.

Vì vậy, tăng cường pháp quyền là thách thức chính đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng rất quan trọng. Tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam còn quá cao.

TS. Rainer Zitelmann là doanh nhân, chuyên gia bất động sản và tác giả nổi tiếng thế giới. Sau khi làm việc với vai trò giáo sư lịch sử tại Đại học Freie Berlin, ông trở thành người phụ trách mảng lịch sử đương đại cho nhật báo Die Welt.

Tháng 9/2022, ông đến Hà Nội và tổ chức họp báo ra mắt cuốn sách Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu bằng tiếng Việt.

TS. Rainer Zitelmann đã viết và xuất bản 23 cuốn sách, trong đó, nổi bật là cuốn Quái kiệt làm điều khác biệt.

Theo bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 của tạp chí US News & World Report, Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới với GDP đạt trên 363 tỷ USD, dân số vượt 98,2 triệu dân. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Đây là kết quả của chính sách Đổi mới năm 1986. Những nỗ lực trong công cuộc cải cách kinh tế thị trường ở Việt Nam đang được đền đáp.

Điểm tự do kinh tế là 61,8 và Việt Nam trở thành nền kinh tế tự do thứ 72 trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023. Điểm số này tốt hơn 1,2 điểm so với năm ngoái.

Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 14 trong số 39 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ là điểm số gần đây nhất, mà là sự thay đổi trong bảng xếp hạng của Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, không một quốc gia nào có quy mô tương đương trên toàn thế giới đạt được nhiều tự do kinh tế như Việt Nam, kể từ năm 1995.

Trở lại năm 1995, khi bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế lần đầu được tổng hợp, Việt Nam chỉ đạt 41,7 điểm. Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng 20 điểm.

Ông dự đoán thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và xa hơn?

Tôi rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng nhất là quốc gia này không quên rằng, thành công kinh tế là kết quả của chính sách “ít nhà nước, nhiều thị trường”.

Nếu Việt Nam thực hiện các cải cách thị trường tự do hơn nữa, giảm ảnh hưởng của nhà nước và tham nhũng, tăng cường pháp quyền, thì tiềm năng phải nói là vô hạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Nhận định của ông?

Tôi đồng ý với quan điểm trên. FDI vào Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tới. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp khắp thế giới nhận ra rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn, chứ không chỉ vì mức lương tương đối thấp.

Châu Âu và Mỹ đang theo đuổi chiến lược không trở nên quá phụ thuộc đơn phương vào Trung Quốc và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Điều gì giúp doanh nghiệp “ngoại” chọn Việt Nam làm bến đỗ, thưa ông?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, nhiều quốc gia muốn đa dạng hóa hơn nữa các khoản đầu tư vào châu Á và Việt Nam đang được hưởng lợi từ điều này.

Trung Quốc đã rất thành công trong nhiều thập niên nhờ các chính sách cải cách thị trường tự do. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của nhà nước ở Trung Quốc đã tăng trở lại. Đây là lý do tại sao một số công ty đang chuyển các bộ phận sản xuất sang Việt Nam.

(thực hiện)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-duc-lac-quan-ve-kinh-te-viet-nam-220855.html