Chuyên gia 'gọi tên' những sai lầm người mắc tiểu đường thường gặp khi mùa lạnh tới

Nhiều bệnh nhân tiểu đường nghĩ, vết loét nhỏ xíu ban đầu không có gì đáng ngại vì nó sẽ tự liền, tự lành. Thực tế thì có vết loét bàn chân dù rất nhỏ nhưng điều này có nghĩa là bệnh nhân đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu…

Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Phụ trách Khoa Nội tiết, Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), hiện thế giới có hơn 425 triệu người đang sống với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Mỗi giờ, có thêm hơn 1.000 người mắc ĐTĐ mới.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh ĐTĐ, tương đương với 6% tổng dân số. Dự đoán đến năm 2045 sẽ có 6,3 triệu người mắc ĐTĐ, tăng 78.5%.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy - phụ trách khoa Nội tiết, Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai)

Tuy nhiên, có tới 70% người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán và trong số đó, chỉ 28.9% bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc ĐTĐ mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị ĐTĐ tuýp 2 đã được ghi nhận.

Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân tham gia câu lạc bộ Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai

BS Bảy chỉ ra những sai lầm người mắc tiểu đường thường gặp khi trời lạnh tới:

1. Tự ý điều trị cảm giác tê bì: Nhiều người mắc bệnh tiểu đường do thiếu hiểu biết thường có thói quen ngâm chân bằng nước ấm, nóng hoặc tự ý đắp các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc để giảm cảm giác tê bì, đả thông kinh mạch, làm sạch và phòng ngừa biến chứng bàn chân. Tuy nhiên, cũng vì thói quen này người tiểu đường đang đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi.

Người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp. Do vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một lần không có người thân kiểm soát giúp nhiệt độ là có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Ngay cả ngâm chân nước ấm cũng không khuyến khích với bệnh nhân tiểu đường, hoặc phải có người giám sát, đo nhiệt độ nước, do chân người bệnh tê bì không cảm nhận được nhiệt độ nước. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng do ngâm chân trong nước quá nóng mà không biết.

2. Tự chữa loét bàn chân ở nhà: Loét bàn chân là biến chứng của bệnh ĐTĐ. Điều trị biến chứng bàn chân khá tốn kém, thời gian nằm viện kéo dài. Khi có loét bàn chân, nguy cơ bị cắt cụt bàn chân rất cao, thậm chí phải cắt lên đến đùi.

Việc phòng nguy cơ này rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân nghĩ, vết loét nhỏ xíu ban đầu không có gì đáng ngại vì nó sẽ tự liền, tự lành. Thực tế thì có vết loét bàn chân dù rất nhỏ nhưng điều này có nghĩa là bệnh nhân đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu…

Do đó, khi phát hiện có vết loét nhỏ, phải tới cơ sở y tế điều trị đúng phác đồ y khoa. Nếu tự ý làm bác sĩ cho bản thân mình để chữa loét bàn chân ở nhà, là bệnh nhân tự biến mình thành “đao phủ”.

3. Không kiểm soát, điều trị phối hợp nhiều bệnh mãn tính khác: Nhiều bệnh nhân dù kiểm soát tốt đường huyết nhưng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) vẫn không giảm. Điều trị giảm đường huyết đơn thuần chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm. Việc điều trị chỉ nhắm vào glucose là không đủ.

Đơn cử, với bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt type 2 thường mắc các bệnh khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… Nhiều bệnh nhân lại chỉ nhăm nhăm kiểm soát đường huyết, mà quên đi rằng tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại và ảnh hưởng bệnh đái đường.

4. Chỉ đo đường huyết buổi sáng: Nhiều bệnh nhân phản ánh việc sáng nào cũng thử đường máu, chỉ số “đẹp” nhưng sao lại bị biến chứng. Thực tế thì đường huyết dao động trong suốt cả ngày. Những người có chỉ số HbA1C dưới 8.1% có nguy cơ cao tăng đường huyết sau ăn.

Việc tăng đường huyết sau ăn có liên quan mật thiết tới các bệnh như: Tim mạch, võng mạc, giảm tưới máu cơ tim, suy giảm chức năng nhận thức, nguy cơ ung thư hay tăng tỷ lệ tử vong…

Người bệnh phải theo dõi cả đường máu trước và sau ăn (khi đói và no) và phải theo dõi nhiều lần trong một ngày cho đến khi đường máu giảm để bác sĩ khuyến cáo chỉ định điều chỉnh chứ không phải thử đường huyết riêng gì buổi sáng hay trước ăn.

5. Sai lầm trong dùng thuốc:

Dùng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hay uống thuốc "Đông y" để "lành" hơn là hai sai lầm chính trong dùng thuốc của bệnh nhân tiểu đường. Một phần không nhỏ bệnh nhân sử dụng đơn thuốc người quen nhờ “mách bảo”.

Trong khi đó, mỗi cơ thể bệnh nhân có một mục tiêu điều trị khác nhau. Bệnh nhân cần nhớ là bác sĩ chữa người bệnh chứ không phải chữa bệnh, có nghĩa là tùy vào từng cá nhân người bệnh để có mục tiêu/phác đồ điều trị khác nhau.

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng thuốc Đông y, thuốc Nam… dùng lành hơn nhiều so với thuốc Tây y nên nghe lời mách bảo của người quen hoặc lời quảng cáo để dùng. Trong khi đó, thuốc phải được uống/tiêm đúng, đủ, nếu không có thể để lại hậu quả nặng nề, không chỉ làm tăng/hạ đường huyết mà còn ảnh hưởng chức năng gan, thận…

6. Đói = hạ đường huyết, nên phải ăn ngay: Cần hiểu rõ khi nào đói mà không phải hạ đường huyết? Đó là khi đói do bệnh nhân ăn ít hơn bình thường. Với bệnh nhân ĐTĐ, não quen với nồng độ glucose máu cao. Khi glucose máu giảm (mà vẫn trên 10mmol/L) thì não phát ra tín hiệu thiếu glucose.

Ngược lại, có nhiều người bị hạ đường huyết thực sự (glucose máu dưới 3,9 mmol/L) nhưng không có cảm giác đói, đó là biểu hiện của hạ đường huyết không triệu chứng.

7. Khi bị ốm thì bỏ luôn thuốc ĐTĐ: Nhiều bệnh nhân nghĩ, khi bị ốm, ăn kém thì đường huyết sẽ hạ nên cần giảm/ngừng uống thuốc ĐTĐ. Thực tế thì khi bị ốm, các hormone trong cơ thể sẽ tăng lên, đường huyết sẽ tăng cao. Khi thấy cơ thể không khỏe, cần đo đường huyết từ 3-4 giờ/lần, thậm chí 1-2 giờ/lần và ghi lại kết quả.

Khi bị sốt, dù ăn ít nhưng cơ thể lại cần nhiều insulin hơn, cần giữ nguyên liều insulin được chỉ định. Tiếp tục theo dõi đường huyết và tình trạng bệnh lúc nửa đêm, kể cả khi rất mệt. Bệnh nhân cũng cần uống nước nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng mất nước. Dù mệt, ốm, bệnh nhân cũng cần ăn đúng bữa, nếu nôn thì uống nước có đường.

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chuyen-gia-goi-ten-nhung-sai-lam-nguoi-mac-tieu-duong-thuong-gap-khi-mua-lanh-toi-20181112162844853.htm