Chuyên gia Hà Lan đề xuất các giải pháp chống sạt lở biển Cửa Đại

Biển Cửa Đại (Hội An) đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Tại đây còn hình thành đảo cát dài hơn 1km, trữ lượng tới 60 triệu m3.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, chiều tối 11/4, bà Cora van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan cùng Bộ trưởng Bộ tài Nguyên Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà có chuyến khảo sát tại bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Khu vực này đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Tại đây còn hình thành đảo cát dài hơn 1 km, trữ lượng lên đến 60 triệu m3.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thông tin với đoàn Hà Lan về tình trạng sạt lở ở biển Cửa Đại.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thông tin với đoàn Hà Lan về tình trạng sạt lở ở biển Cửa Đại.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bờ biển Cửa Đại sạt lở mạnh nhất từ năm 2016. Nơi đây chịu tác động mạnh của sóng biển, hiện có 6 trên 8 resort bị ảnh hưởng, sụt lún; nhiều nhà hàng, cây cối bị sóng biển cuốn trôi.

Tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp chống sạt lở bằng kè cứng và kè mềm, làm đê ngầm dưới mặt nước biển để hạn chế sóng và tạo mỏ hàn để tạo bãi nhưng kết quả không cao, tốn kém nhiều kinh phí. Theo ông Lê Trí Thanh, quá trình bồi lấp diễn ra vào mùa hè, lượng cát được bồi vào bãi không đáng kể. Trong khi đó, bắt đầu tư tháng 9 trở đi, xói lở lại quét một lượng cát rất lớn khiến Cửa Đại luôn trong tình trạng nguy hiểm. Để ứng phó với xói lở và bồi lấp kéo dài suốt 15 năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm tìm phương án tối ưu “giải cứu” bờ biển Cửa Đại.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Qua nhiều cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu đầu ngành trong nước và quốc tế, cũng như đánh giá của các cơ quan chức năng địa phương, giải pháp để nuôi bãi, phục hồi bãi này trên thế giới không phải là hiếm và đã làm ở nhiều nước có điều kiện tương tự như tại Việt Nam. Bây giờ phục hồi lại theo nguyên lý mất cát là phải bù cát. Bù bằng cách giữ không cho mất đi và nuôi bãi để tạo sự ổn định”.

Các chuyên gia Hà Lan đã đưa ra bản đồ vệ tinh giữa năm 2004 và 2018 để so sánh tốc độ sạt lở biển Cửa Đại Hội An. Cách đây 15 năm, bờ biển này còn nguyên bãi cát dài và rộng, nơi rộng nhất đến 160 mét. Nhưng hiện nay, bãi cát đã biến mất, biển ăn sâu vào đất liền, uy hiếp đến các khu du lịch.

Phía Hà Lan nêu ra giải pháp theo 4 bước để hạn chế sạt lở và phục hồi biển Cửa Đại. Đáng chú ý là phương pháp tạo dòng chảy theo tự nhiên để lấy cát tạo bờ, phương án xây dựng đảo nhân tạo cũng được đề cập để giữ cát, phát triển du lịch kết hợp tạo sự bồi lấp cho bờ. Tất cả phương án có thể thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế.

Kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại.

Bà Cora van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan chia sẻ những lo lắng của chính quyền tỉnh Quảng Nam: “Hà Lan là đất nước chịu tác động nhiều của biển. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ bờ, xây dựng đê, đập trước thực trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Phía Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để giúp các bạn trong vấn đề chống sạt lở bờ biển hiện nay. Các chuyên gia của Hà Lan sẽ có phản biện đầy đủ để giúp Quảng Nam trong công tác khôi phục bờ biển Cửa Đại. Những giải pháp đưa ra chắc chắn phải xem xét, đánh giá kỹ vì khu vực này có liên quan đến Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Hy vọng Hà Lan và Việt Nam sẽ hợp tác tốt trong lĩnh vực này”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, các giải pháp phía Hà Lan đưa ra khá táo bạo và thuyết phục. Hy vọng từ sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia Hà Lan, bờ biển Cửa Đại sẽ từng bước phục hồi, tạo hình mẫu để xây dựng, bảo vệ bờ biển tại Việt Nam. Hà Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam trong giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là cơ hội hợp tác của hai quốc gia./.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-ha-lan-de-xuat-cac-giai-phap-chong-sat-lo-bien-cua-dai-897340.vov