Chuyên gia hiến kế phát triển kinh tế đất nước

Ðánh giá về nền kinh tế trong 5 năm qua (2016-2020), các chuyên gia đều nhận định cơ cấu đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển đúng hướng. Ðồng thời đề nghị cần ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới.

Chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh: Cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ

Chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, trong 5 năm qua (2016-2020) cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp đến 40% tổng GDP. Đây là sự phát triển đúng hướng, tạo đà cho nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng phát triển.

Theo ông Thịnh, từ Đại hội XII của Đảng, sự chuyển biến của nền kinh tế rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn đạt tốc độ cao. Riêng với năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vì đại dịch, nhiều nước tăng trưởng âm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%.

Từ nền kinh tế chủ yếu phát triển theo diện rộng, dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn. Giai đoạn vừa qua đã chuyển đổi hiệu quả. Tiêu biểu như tỷ lệ xuất khẩu dầu thô đã giảm nhiều, từ chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách nhà nước đã về mức chỉ dưới 10%. Việt Nam đã cấm hoàn toàn xuất khẩu khoáng sản thô.

Trong 5 năm qua, nhất là năm 2020, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là động lực trong thời cơ mới, để giúp nền kinh tế tăng trưởng, năng suất lao động cao. Trong điều kiện kinh tế nhiều thay đổi, việc nâng cao năng suất lao động rất quan trọng, nhân tố tổng hợp (TFP) thay đổi lớn theo hướng tích cực. Năng suất lao động dần chuyển sang chiều sâu.

Khu vực kinh tế tư nhân trong 5 năm qua có nhiều nét thay đổi quan trọng, dần trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đóng góp của kinh tế tư nhân chiếm đến 40% tổng GDP. Đây là sự phát triển đúng hướng, tạo đà cho nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng phát triển.

TS Võ Trí Thành: “Ðất nước hùng cường phải có những DN lớn mạnh”

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), đằng sau tăng trưởng và phát triển của một quốc gia là câu chuyện của doanh nghiệp (DN), thành bại cũng ở DN. Trong một nền kinh tế thị trường hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài có thể đóng vai trò rất quan trọng, song về dài hạn, đất nước không thể hùng cường nếu thiếu kinh tế tư nhân, cùng sự trưởng thành của DN và doanh nhân.

Nhìn tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”, khi có tới 97% DN tư nhân là nhỏ và vừa (SMEs), trong đó đa số (70%) có quy mô dưới 10 lao động, vốn dưới 5 tỷ đồng. Sự thiếu vắng DN quy mô trung bình đã làm cản trở năng suất lao động, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm DN do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí.

Những DN tư nhân lớn chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn “thua” nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tất cả những điều đó chứng tỏ khu vực tư nhân còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, cả về chính sách, nội tại DN. DN tư nhân đã trưởng thành, có “lớn” nhưng chưa đủ “lớn mạnh”, để thực sự trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Động lực chính cho phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong đổi mới chính là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước về vai trò to lớn của khu vực này, là việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh.

TS Vũ Thành Tự Anh: Cần ưu tiên hỗ trợ kinh tế tư nhân

TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định sau 35 năm đổi mới (1986-2020), kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào thịnh vượng quốc gia.

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy mức đóng góp của kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trong nước liên tục tăng qua các năm, từ 371.000 tỷ đồng năm 2005 lên 2 triệu tỷ đồng vào năm 2018. Tỷ lệ đóng góp GDP của kinh tế tư nhân giai đoạn 2005-2018 đạt 40-45%, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

TS Anh chỉ ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam, khu vực tư nhân và nước ngoài ngày càng đóng vai trò trụ cột, đang chiếm 90% lực lượng lao động, 80% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% GDP và khoảng 65% tổng đầu tư xã hội. Tuy nhiên, khu vực chính thức của kinh tế tư nhân nội địa (750.000 DN) chiếm chưa tới 10% GDP và tỷ trọng thấp ổn định trong 20 năm qua, chưa bằng 1/2 khu vực FDI (chưa tới 20.000 DN), chưa bằng 1/3 của khu vực cá thể.

Việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI, theo ông Tự Anh, đây là điều rất khó chấp nhận nếu muốn tạo ra nội lực. Việt Nam đã rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp và rất khó để rút ra.

Từ góc độ thể chế, theo TS Vũ Thành Tự Anh, DN tư nhân trong nước đang gặp bốn thách thức cơ bản. Thứ nhất, quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi bảo hộ những quyền ấy còn yếu kém. Thứ hai, DN tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là đất đai, tín dụng, và cơ hội kinh doanh. Thứ ba, sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước đối với DN chưa giảm. Thứ tư, thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường hoặc nếu có thì hoạt động kém hiệu quả.

Để khu vực DN tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường cạnh tranh nội địa, cạnh tranh với DN quốc tế, tăng giá trị nội địa hóa, có hạ tầng hiện đại như cảng biển, đường cao tốc, sân bay,...

Hữu Việt - Ngọc Linh - TUẤN NGUYỄN (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/chuyen-gia-hien-ke-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-1778985.tpo