Chuyên gia hướng dẫn cha mẹ cách rèn luyện trí nhớ cho trẻ từ giai đoạn sớm nhất

Ngay từ giai đoạn 3,5 tháng tuổi, não bộ trẻ đã bắt đầu ghi nhớ biểu cảm gương mặt của cha mẹ để học cách biểu lộ cảm xúc trên chính gương mặt mình. Rèn luyện trí nhớ cho trẻ trong giai đoạn này sẽ giúp bé học hỏi và phát triển não bộ nhanh chóng hơn.

Cơ chế định hướng học hỏi ở trẻ

Chia sẻ về phương pháp luyện trí nhớ cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết trẻ sơ sinh từ 3,5 tháng tuổi đã bắt đầu phát triển khả năng ghi nhớ bằng việc nhìn lâu vào điểm trẻ thấy giống nhau trong khoảng 30 giây. Đến 5 tháng tuổi, trẻ cần 20 giây để ghi nhận các điểm giống nhau và dần hình thành quá trình nhớ sơ khai trong hoạt động nhận thức.

Do đó, cha mẹ nên tích cực chơi đùa hoặc trò chuyện với trẻ bằng cách dành ít nhất từ 30 giây trong mỗi hành động và lặp lại nhiều lần trong ngày để bé có thể học hỏi và phát triển trí nhớ từ 5 tháng tuổi.

Não bộ trẻ đã bắt đầu ghi nhờ từ 3,5 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Não bộ trẻ đã bắt đầu ghi nhờ từ 3,5 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Theo nghiên cứu, khi tham gia vào các hoạt động vui chơi hoặc học hỏi, não bộ trẻ sẽ hoạt động theo quy trình khép kín gồm các chuỗi chiến lược tiếp cận có định hướng với 4 mục tiêu:

- Trẻ quan sát cử chỉ khuôn mặt của cha mẹ để hiểu về cảm xúc sau đó biến thành cảm xúc của bản thân trẻ.

- Trẻ bắt đầu lắng nghe số lần mẹ lặp lại các từ giống nhau để mô tả hoạt động này. Việc lặp lại từ 20 – 30 giây sẽ giúp trẻ bắt đầu ghi nhớ thành một mảnh ghép. Nếu ghép đủ các mảnh ghép, trẻ sẽ hiểu về các hoạt động hoặc trò chơi cha mẹ đang nhắc đến.

- Song song với quá trình này, trẻ sẽ dần phát triển nhận thức sự tồn tại lặp lại của hoạt động nào đó.

- Cuối cùng, trẻ có xu hướng bắt chước để trải nghiệm những hoạt động cha mẹ hướng dẫn.

Các mục tiêu ghi nhớ này sẽ được trẻ tiếp cận, bắt chước và tìm cách gây chú ý với cha mẹ. Ví dụ: Trẻ sẽ yêu cầu cha mẹ đọc lại nhiều lần quyển sách yêu thích hoặc reo hò khi cha mẹ cầm món đồ chơi.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết đây là cách bé kiểm tra lại cảm xúc, ngôn ngữ và xem liệu việc bắt chước của bé có đúng không. Bé sẽ dùng các cử chỉ ngôn ngữ để giao tiếp cùng cha mẹ như cười, nói huyên thuyên và thậm chí giao tiếp bằng ánh mắt.

Cách luyện trí nhớ cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh

Hiểu được cơ chế định hướng của não bộ trẻ thông qua 4 mục tiêu, cha mẹ cần biết cách tăng sự tương tác. Theo đó, cha mẹ hãy biểu cảm với những trạng thái khác nhau như vui, hào hứng, ngạc nhiên.

Cha mẹ cũng có thể nhấn mạnh và lặp lại một số nội dung muốn con ghi nhớ. Đồng thời gia tăng các hình thức vui chơi để trẻ tham gia như: Đếm đồ vật, lấy đồ chơi ra khỏi giỏ và ngược lại.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, cha mẹ có thể chơi trò nhận biết đồ vật để rèn luyện trí nhớ cho con bằng cách chuẩn bị 2 thùng bìa giấy carton rồi lần lượt để 2 món đồ chơi có kích thước khác nhau vào 2 thùng. Tiếp theo, cha mẹ lần lượt lấy 2 món đồ chơi ở 2 thùng lên trước mặt trẻ và bắt đầu so sánh đồ chơi lớn hơn, đồ chơi bé hơn và cho vào lại mỗi thùng. Sau khi để trẻ quan sát, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ thực hiện tương tự.

Cha mẹ hãy tăng cường chơi cùng bé các trò chơi rèn luyện trí nhớ - Ảnh minh họa: Internet

Trò chơi bổ ích này không chỉ giúp trẻ rèn luyện trí nhớ thông qua việc làm quen đồ vật mà còn giúp con biết cách thu dọn đồ chơi sau mỗi lần chơi xong. Trong quá trình trẻ bắt chước cha mẹ về hành động và ngôn ngữ, cha mẹ không nên lo lắng việc trẻ không biết thực hiện hoặc làm sai những gì cha mẹ dạy. Khi làm sai, trẻ sẽ quay lại quy trình ghi nhớ để tiếp tục học hỏi từ cha mẹ. Giai đoạn này bé cần được sự trợ giúp và giao tiếp hiệu quả từ cha mẹ để con học nhanh hơn.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/chuyen-gia-huong-dan-cha-me-cach-ren-luyen-tri-nho-cho-tre-tu-giai-doan-som-nhat-c21a297845.html