Chuyên gia khuyến cáo: Điều tra kỹ nguồn lây, quyết liệt truy vết hết F0, F1, F2

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là không có đợt dịch nào giống nhau; cần điều tra kỹ nguồn lây của ca bệnh ở Hà Nam (BN 2.899); quyết liệt truy vết hết F0, F1, F2,...

Bộ trưởng Bộ Y tế (thứ 2 từ phải qua) trực tiếp về thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân để kiểm tra công tác phòng dịch. Ảnh: Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế (thứ 2 từ phải qua) trực tiếp về thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân để kiểm tra công tác phòng dịch. Ảnh: Bộ Y tế

Đối với ca bệnh chỉ điểm ở Hà Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết trên báo Sức khỏe và đời sống rằng, mặc dù tỉnh Hà Nam và những địa phương liên quan đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đã thần tốc truy vết.

Tuy nhiên do hiện chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh chỉ điểm mà có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này:

- Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Vừa rồi, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái, …

- Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính.

Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày, nhưng rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ.

- Trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.

PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân nhiễm bệnh của ca bệnh này vì dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, phải điều tra kỹ nếu nguyên nhân mang mầm bệnh, nếu từ khi trong khu cách ly thì sẽ kiểm soát được nhanh vì đã kiểm soát được trường hợp F1, quản lý được F2; nếu lây ở cộng đồng thì phức tạp hơn (vì chưa rõ nguồn lây ở đâu, trên xe khách hay chính tại địa phương) nên sẽ khó truy vết được hết các trường hợp F1 và F2.

Cũng theo ông Phu, phải thống nhất một quan điểm trong công tác phòng, chống dịch là không có đợt dịch nào giống nhau, đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam lại có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, hiện lây ra thêm 3 tỉnh, thành khác chỉ qua đường tiếp xúc, F1 thành F0, F2 thành F0…

Dịch trên thế giới phức tạp đã rõ nhưng chúng ta cần lưu ý chính ở các nước Đông Nam Á. Đơn cử như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippine đang rất căng thẳng và tôi lo ngại một chu kỳ bùng phát ở Đông Nam Á. Đặc biệt là những nước đang nóng lòng dỡ bỏ các giải pháp tập trung đông người và miễn dịch cộng đồng chưa cao.

Việt Nam hiện đã ghi nhận chủng lây lan nhanh là chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi, chủng Ấn Độ. Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lay lan nhanh. Trong đó, Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.

Tại Hà Nội, nguy cơ rất cao vì liên quan đến dịp nghỉ lễ, nhiều người trở lại Thủ đô.

Điểm nữa là trong cộng đồng không dấy lên chu kỳ sốt ho nhưng chúng ta cần chú ý là không lơ là, vì tốc độ lây lan của chủng mới này rất khủng khiếp.

Do đó, các địa phương phải quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2. Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì phải chạy nhanh, chạy đua với dịch. Nếu không nhanh để lây lan nhanh thì từ 1 ca ra rất nhiều ca bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý công tác xét nghiệm trên diện rộng trên toàn địa bàn thôn, xã – nơi ở, nơi qua lại của ca F0, xét nghiệm trên diện rộng một cách có chỉ định.

Cùng đó, các địa phương phải rà soát lại các khu cách ly. Bài học lây nhiễm trong khu cách ly của Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ mọi quy trình đã hướng dẫn thì có thể dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly.

Xác định tốc độ lây nhiễm nhanh, phản ứng phải càng nhanh

Tại cuộc làm việc với tỉnh Hà Nam liên quan công tác phòng dịch COVID-19 ở tỉnh này khi đã xuất hiện chùm ca bệnh trong gia đình gồm 5 người mắc với nguồn lây từ nam thanh niên vừa hết cách ly tập trung hôm 29/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định lại, tất cả F1 phải cách ly tập trung, với F2 tạm thời cách ly tại nhà.

"Với dịch lần này, chúng ta xác định tốc độ lây nhiễm nhanh nên phải phòng khi F1 thành F0 thì F2 cách ly tập trung ngay".

Hiện Hà Nam có hai cơ sở cách ly, Bộ trưởng yêu cầu phải chuẩn bị kịch bản kỹ càng cho cơ sở cách ly, giao cho quân đội quản lý, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Về điều trị, trước mắt bệnh nhân COVID-19 sẽ tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Bộ Y tế cử Bệnh viện Bạch Mai tăng cường hỗ trợ cho Hà Nam điều trị.

Bộ trưởng nhất trí với các biện pháp chống dịch Hà Nam đang triển khai nhưng làm nhanh và mạnh hơn.

"Chúng tôi nhận định dịch ở Hà Nam đang ở chu kỳ lây nhiễm thứ 1, bắt đầu sang chu kỳ 2, nhưng có thể ngày mai, kia, sẽ sang chu kỳ tiếp theo thì công tác chống dịch sẽ khó khăn hơn nhiều. Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt lưu ý vấn đề đeo khẩu trang, Bộ trưởng đề nghị với Hà Nam yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tiến hành xử phạt hành chính người không đeo. Với nơi tụ tập đông người phải kiểm soát chặt. Bên cạnh đó, kiểm soát các đơn vị sản xuất, cơ sở y tế cũng là nội dung được tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh.

"Hà Nam có ổ dịch nhưng đang ở mức độ chùm lây nhiễm, phản ứng càng nhanh sẽ kiểm soát được dịch" – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói và đặc biệt lưu ý khi ngày mai bắt đầu kỳ nghỉ lễ 4 ngày, nguy cơ dịch lan rộng hiện hữu.

Khẳng định ổ dịch ở Hà Nam chắc chắn là có nguồn lây từ bên ngoài (do BN2899- nam thanh niên từ Nhật về dương tính sau khi hết thời gian cách ly).

"Phải nhanh, chạy đua tốc độ thì mới thắng nổi dịch", PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vị chuyên gia "kinh qua" tất cả các ổ dịch tại Việt Nam - nhấn mạnh.

Với công tác truy vết, qua nghe báo cáo, PGS Dương lưu ý Hà Nam phải để ý hết các mốc dịch tễ của các bệnh nhân dương tính để tiến hành truy vết ngay. Từ việc bệnh nhân có mặt ở quán ăn nào, đi chợ nào hay giao lưu với ai ở đâu…

"Từ bài học ở Hải Dương khi công an làm rất tốt công tác truy vết, tôi đề nghị tỉnh Hà Nam giao lực lượng công an thực hiện truy vết, y tế sẽ hỗ trợ kỹ thuật. Ngày mai chúng tôi đề nghị tập huấn cho đội ngũ truy vết này" – PGS Trần Như Dương có mặt ngay tại Hà Nam chiều 29/4 và sẽ ở lại đây để tổ chức tập huấn.

Mục tiêu dập dịch triệt để bên trong, với công tác cách ly, PGS Dương nhấn mạnh yếu tố kỷ luật.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/chuyen-gia-khuyen-cao-dieu-tra-ky-nguon-lay-quyet-liet-truy-vet-het-f0-f1-f2-ilzgt89MR.html