Chuyên gia lại đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang

Làm sao để giải quyết và xóa dần tình trạng hoang hóa biệt thự, nhà ở liền kề luôn là bài toán nan giải, đầy thách thức cho các nhà đầu tư và chính quyền trong nhiều năm qua.

Lãng phí nguồn lực, mất mỹ quan đô thị

Đánh thuế biệt thự bỏ hoang từng là đề xuất của cơ quan quản lý, chuyên gia nhằm ổn định thị trường bất động sản. Năm 2021, UBND TP Hà Nội từng đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên.

Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi nên chưa có một quy định cụ thể nào được đưa ra. Thời điểm này, khi Luật đất đai đang được xem xét thông qua, vấn đề này một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia kinh tế.

Trên địa bàn Hà Nội, hiện có hàng loạt khu đô thị với hàng nghìn căn biệt thự bị bỏ hoang. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý.

Vòng qua một lượt các khu đô thị như Dương Nội, Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội), hay chục biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn ở Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), có thể dễ dàng nhận thấy, đa phần đều còn tồn tại khá nhiều các căn biệt thự, nhà ở liền kề chỉ được xây thô, chưa hoàn thiện và bị bỏ hoang từ khá lâu. Theo thời gian, nền nhà đều trong tình cảnh bị sụt lún, cỏ mọc um tùm, rêu mốc bao phủ, rác thải tập kết bừa bãi… rất lãng phí và mất mỹ quan.

Hà Nội tồn tại rất nhiều khu biệt thự bỏ hoang.

Vậy làm sao để giải quyết và xóa dần tình trạng hoang hóa biệt thự, nhà ở liền kề luôn là bài toán nan giải, đầy thách thức cho các nhà đầu tư và chính quyền trong nhiều năm qua. Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, tình trạng biệt thự bỏ hoang khá phổ biến, đặc biệt ở Hà Nội. Biệt thự bỏ hoang là sự lãng phí về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị, trong đó lãng phí nhất là đất bị bỏ hoang khi đây là nguồn lực rất quan trọng của mỗi quốc gia.

Trong trí nhớ của vị chuyên gia này, từ năm 1997, nhiều dự án khu đô thị mọc lên nhan nhản tại các quận huyện ngoại thành Hà Nội. Các chủ đầu tư chủ yếu lấy đất xây nhà liền kề, biệt thự để kinh doanh bất động sản. Và có những giai đoạn thị trường ảm đạm, không còn nóng sốt thì chính doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng phải chôn vốn ở những dự án này.

Ở một số quốc gia, quy định mỗi một gia đình chỉ được đăng ký một chỗ ở, còn những nơi khác muốn có nhà phải chịu sự quản lý của Chính phủ. Nhưng ở Việt Nam thì không quy định, do đó ai muốn mua bao nhiêu bất động sản nhà ở cũng được. Vì vậy, nếu không khắc phục những lỗ hổng về cơ chế quản lý, quy hoạch thì không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị, tỉnh thành khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ xuất hiện thêm nhiều khu đô thị, biệt thự, nhà ở bỏ hoang.

Đánh thuế biệt thự bỏ hoang là cần thiết

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng đây là một sự lãng phí ghê gớm nguồn lực đất đai và tài nguyên khoáng sản của đất nước. Nhưng đồng thời nó cũng làm đô thị trở nên nhếch nhác và tạo điều kiện phát triển các tệ nạn xã hội, cũng như các hoạt động gây bất ổn đến an ninh chính trị xã hội ở các khu vực có những nhà bỏ hoang đó. Việc áp dụng tính thuế với biệt thự bỏ hoang sẽ là giải pháp xử lý nhiều tồn tại bất cập của loại hình bất động sản đã tồn tại từ rất lâu này.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng chỉ ra nguyên nhân sâu xa do đô thị hóa nhanh chóng cùng sự phát triển "nóng" của thị trường bất động sản đã khiến nhiều nơi mong muốn quy hoạch đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp tranh thủ thời cơ lập dự án, đầu tư vào địa ốc. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đầu tư với số vốn rất lớn, diễn ra trong thời gian dài và cực kỳ khó dự báo nhu cầu thị trường trong điều kiện đó.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia từng kiến nghị và kỳ vọng đánh thuế sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu. Khi nhìn ra thế giới, thuế là một công cụ giúp điều tiết thị trường rất hiệu quả mà nhiều quốc gia đã sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc thực thi ở Việt Nam vẫn chưa thể chưa áp dụng do còn gặp nhiều rào cản.

GS. Đặng Hùng Võ cũng phân tích, nếu đánh thuế thì cần tiêu chí nào để gọi là biệt thự bỏ hoang? Chủ của những căn biệt thự có thể lách luật bằng cách thuê một người khác, thậm chí đăng ký tạm trú cho họ ở đấy để căn biệt thự này không bỏ hoang. Vậy, chỉ đi theo chính sách biệt thự bỏ hoang thì liệu chúng ta có làm được hay không? Do vậy, để đánh thuế thì cần có các tiêu chí rõ ràng xác định biệt thự bỏ hoang.

Giải pháp căn cơ hơn, theo chuyên gia trong tương lai cần có sự thực hiện quy hoạch đồng bộ, đẩy nhanh các dự án hạ tầng, đầu tư công. Song song với đó là chuẩn bị kỹ lưỡng ngân sách mới phê duyệt dự án đầu tư, tránh tình trạng giới đầu cơ "ăn theo" dự án hạ tầng đó mà cả chục năm sau dự án vẫn chưa xong, dẫn đến các bất động sản "ăn theo" cũng bất động. "Khi dự án có đủ điều kiện để ở thì sẽ bán được và không còn tình trạng bỏ hoang. Vì thực tế, người dân đang rất muốn mua nhà. Câu chuyện ở đây là hàng hóa chưa đủ điều kiện để cầu có thể mua", ông Võ nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, tình trạng dự án, biệt thự bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tiền của của xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự khi nhiều chủ đầu tư bỏ mặc hoàn toàn dự án, biến những căn biệt thự thành nơi trú ẩn của người vô gia cư, các đối tượng trộm cắp…

Bên cạnh những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng trên, cơ quan quản lý cần thận trọng trong khâu cấp phép các dự án mới nhằm điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-lai-de-xuat-danh-thue-biet-thu-bo-hoang-16923122611283471.htm