Chuyển giá làm ngân sách thất thu hàng nghìn tỉ đồng

Chuyển giá của DN FDI là một trong những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa 'ra đề' với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tìm giải pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không dễ dàng bởi các thủ đoạn chuyển giá rất tinh vi.

Hệ thống siêu thị Metro khai thua lỗ nhiều năm nhưng không ngừng mở rộng quy mô. Ảnh: A.C

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), mỗi năm có khoảng từ 40-50% số DN FDI kê khai lỗ nhưng vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô kinh doanh.

Nghi vấn 44-51% DN FDI báo lỗ

Công văn chỉ đạo mới đây của Thủ tướng dẫn phản ánh của báo chí cho biết, từ năm 2012 - 2016, số DN FDI báo lỗ chiếm 44 - 51% tổng số DN, là dấu hiệu của chuyển giá. Tuy nhiên, thực tế có hay không thì ngành thuế cũng khó biết do chưa có chức năng điều tra và nhiều DN chuyển giá tinh vi thông qua các khoản vay từ Cty mẹ, Cty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường.

Theo thông tin của cơ quan thuế, các DN FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các DN luôn báo lỗ. Nhiều nguồn thông tin khác cũng chỉ ra một vấn đề phi lý, khi có đến 90% số DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TPHCM báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các DN nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi. Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn nhưng các DN vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước), chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, việc có đủ bằng chứng chứng minh việc chuyển giá là hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều bên nên đến nay tại Việt Nam, hầu như chưa có DN nào bị phạt vì hành vi này.

Thực tế công tác đấu tranh kiểm soát chuyển giá trong những năm gần đây cho thấy, có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Đại học Fulbright Việt Nam - đã chỉ ra rằng, tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế trong khoảng 5 - 6 năm qua cho thấy đã có khoảng 1,5 tỉ USD số tiền giảm lỗ và số truy thu thuế là 10.000 tỉ đồng.

Metro dính nghi án chuyển giá sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế lên tới 507 tỉ đồng. Ảnh: PV

Chống không dễ, nhưng phải kiên quyết làm

Theo Kiểm toán Việt Nam, hành vi chuyển giá ở Việt Nam xuất hiện cùng với sự gia tăng các DN FDI. Trong những năm qua, ngành thuế đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với các DN FDI.

Trên phương diện tổ chức, cho đến nay đã thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế và Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại một số cục thuế lớn như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với các DN FDI là tập trung thanh tra các DN liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Qua thanh tra bước đầu đã phát hiện những DN có dấu hiệu chuyển giá để tiến hành đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xác định đúng giá trị giao dịch, chẳng hạn như phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, tài chính; phối hợp với cơ quan thuế các nước để nắm bắt thông tin về giao dịch kinh tế của các DN.

Năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 734 DN có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỉ đồng; giảm lỗ 7.416,54 tỉ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134,73 tỉ đồng.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính): “Chống chuyển giá không dễ vì việc chứng minh sai phạm rất tốn kém, thậm chí không thể. Nhưng Việt Nam cũng cần đầu tư cho vấn đề này, nâng cao năng lực để có thể phát hiện và xử lý”.

Còn TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, các hình thức chuyển giá được thực hiện hết sức đa dạng và tinh vi khiến cho các cơ quan thuế phải rất mất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể thu thập thông tin, đọc tài liệu, nghiên cứu và phát hiện ra được. Ở Việt Nam, vấn đề chuyển giá vẫn còn mới đối với rất nhiều nhân viên thuế ở cả Trung ương lẫn địa phương.

“Tỉ suất thuế cao, chi phí tuân thủ lớn, môi trường thuế kém minh bạch là những lý do khuyến khích hành vi gian lận thuế, trốn thuế, tránh thuế, trong đó có hành vi chuyển giá” - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thiết chế pháp lý kém, cơ sở dữ liệu không đầy đủ, năng lực hạn chế, nền kinh tế tiền mặt… là những yếu tố cản trở cho việc chống chuyển giá.

Để chống chuyển giá, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; nghiên cứu chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư; nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý.

Đặc biệt, theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Nhà nước cần xem xét không thu hút FDI bằng mọi giá; không cấp ưu đãi thuế đại trà; cần hoàn thiện khung pháp lý về chuyển giá; hoàn thiện chuẩn mực kế toán Việt Nam; thiết lập các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương/vùng.

KHÁNH VŨ - KHÁNH HÒA

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chuyen-gia-lam-ngan-sach-that-thu-hang-nghin-ti-dong-621605.ldo