Chuyên gia: Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng Năm

Chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Mỹ về dịch bệnh, ông Anthony Fauci, cho rằng Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp ngăn chặn COVID-19 vào tháng Năm tới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Bronx, New York, Mỹ ngày 11/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Bronx, New York, Mỹ ngày 11/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào tháng Năm tới.

Chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Mỹ về dịch bệnh, ông Anthony Fauci đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 đang lên đến đỉnh điểm.

Phát biểu trên truyền hình ngày 12/4, tiến sỹ Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng (NIAID) và cũng là cố vấn cho 6 đời tổng thống Mỹ liên tiếp, cho rằng các khu vực của Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng hạn chế từ tháng sau song cần phải thận trọng.

Ông Fauci nhấn mạnh các khu vực có thể sẵn sàng vào các thời điểm khác nhau thay vì cả nước Mỹ bật lại "như một công tắc đèn."

Ông Fauci cho biết ông lạc quan nhưng vẫn thận trọng khi số ca nhập viện và số bệnh nhân phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt đã bắt đầu giảm.

Không như hầu hết quốc gia châu Âu, tại Mỹ, quyết định phong tỏa chủ yếu phụ thuộc vào chính quyền địa phương, không phải tổng thống, và lãnh đạo một số bang đông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 đã khẳng định tiếp tục áp dụng biện pháp nghiêm ngặt chừng nào vẫn cần thiết.

Phát biểu với báo giới, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này muốn mở cửa trở lại sớm nhất có thể, nhưng cần phải thực hiện việc này một cách thông minh.

Thống đốc bang láng giềng New Jersey Phil Murphy nhấn mạnh "sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào sự phục hồi hoàn toàn của dịch vụ chăm sóc sức khỏe."

Trong khi đó, các chuyên gia y tế Mỹ khuyến nghị cần tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Nhà Trắng cân nhắc thời điểm và cách thức dỡ bỏ phong tỏa cũng như yêu cầu người dân ở nhà.

Theo tiến sỹ Stephen Hahn thuộc Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), đến nay, Mỹ đã tiến hành hơn 2 triệu xét nghiệm nhưng các bộ xét nghiệm không có sẵn để đáp ứng nhu cầu. Việc thiếu các bộ xét nghiệm đã cản trở Mỹ phản ứng với đại dịch, hậu quả là hơn 22.000 người chết và hơn nửa triệu người nhiễm bệnh.

Thống đốc các bang New York và New Jersey, cũng như Thị trưởng thành phố New York ngày 12/4 đã đề nghị được cấp thêm các bộ xét nghiệm nhanh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó mong muốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hoạt động trở lại vào dịp lễ Phục sinh, nhưng hầu hết các khu vực trên cả nước vẫn duy trì lệnh phong tỏa và các nhà thờ tiến hành nghi lễ theo hình thức trực tuyến nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trên mạng xã hội Twitter ngày 12/4, Tổng thống Trump viết: "Chúng ta đang thắng, và sẽ thắng trong cuộc chiến chống kẻ thù vô hình này."

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận thêm 1.514 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ tính đến 20 giờ 30 ngày 12/4 theo giờ Mỹ (0 giờ 30 ngày 13/4 giờ Việt Nam). Số ca tử vong này đã giảm so với 1.920 ca ghi nhân trong 24 giờ trước đó.

Trong khi đó, theo số liệu của trang worldometers.info, số ca nhiễm bệnh tại Mỹ tính đến sáng 13/4 (theo giờ Việt Nam) đã tăng lên 560.402 ca, trong khi số ca tử vong là 22.105 ca./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-my-co-the-noi-long-cac-bien-phap-han-che-tu-thang-nam/634142.vnp