Chuyên gia Mỹ: Màu sơn Su-57 không hiệu quả trong chiến đấu

Theo Mark Episkopos, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI), màu sơn của tiêm kích Su-57 chỉ mang tính quảng bá và thiếu hiệu quả.

Nhận định trên được chuyên gia Mỹ đưa ra sau khi truyền thông Nga công bố doạn video thử nghiệm Su-57 với màu sơn hoàn toàn mới. Theo chuyên gia Mỹ, việc ứng dụng màu sơn này chỉ là động thái tốn công, khó tăng hiệu quả tác chiến trong thực tế cho dòng máy bay này.

Đến nay, những nguyên mẫu Su-57 được Nga công bố mang các tông màu khác nhau, cho thấy nhà sản xuất đang thử nghiệm nhiều phương án trước khi cho ra đời họa tiết hoàn chỉnh. Mark Episkopos cho rằng, họa tiết ngụy trang giúp máy bay hòa lẫn với môi trường xung quanh như màu sáng trên trời và màu tối ở địa hình dưới đất.

Tiêm kích Su-57 với màu sơn mới.

Sơn ngụy trang phát huy hiệu quả tốt nhất khi nó phù hợp với môi trường hoạt động, chẳng hạn màu cát ở địa hình sa mạc. Su-57 cũng dùng các gam màu trung tính như tiêm kích Mỹ, nhưng tương phản mạnh giữa hai gam màu khiến nó khó hòa mình vào môi trường.

Thiết kế này dường như nhằm phục vụ nhiều mục đích chiến thuật, thay vì chỉ đơn thuần là ngụy trang. Sự kết hợp giữa màu sơn tối nổi bật bên trong và sơn màu xám mây bên ngoài có thể tạo ảo ảnh về một mục tiêu cỡ nhỏ hơn thực tế.

Họa tiết dạng điểm ảnh giữa hai màu sơn khiến việc xác định hình dạng và kích cỡ tiêm kích Su-57 từ xa cũng khó khăn hơn nhiều. Điều này có thể làm phi công đối phương khó theo dõi, thậm chí mất dấu Su-57 trong những cuộc cận chiến.

Nhưng họa tiết ngụy trang không còn đóng vai trò quá quan trọng trong chiến đấu như trước kia, bởi hệ thống cảm biến ngày càng phát triển. Su-57 sẽ phải dựa vào khả năng hấp thụ và tán xạ sóng radar, cũng như phân tán dấu hiệu nhiệt trước khi thiết kế màu sơn thể hiện tác dụng.

Mặc dù vậy, chuyên gia Episkopos cho rằng lớp sơn này không tạo ra nhiều khác biệt trong tác chiến, nhưng phục vụ tốt cho quảng bá hình ảnh.

Phản ứng phân tích với phân tích từ chuyên gia Mỹ, Giám đốc thiết kế trưởng của Cục thiết kế Sukhoi Mikhail Strelets cho biết: "Màu sắc Pixel trên Su-57 hiện nay gây hiệu ứng viền mờ, cho phép xóa nhòa ranh giới rõ ràng, có cấu hình khí động học của máy bay", ông giải thích.

Ngoài ra, để tăng cường tính năng tàng hình cho máy bay, khung thân và chất phủ bên ngoài được sản xuất bằng vật liệu đặc biệt. Lô Su-57 đầu tiên Không quân Nga sẽ nhận được vào năm 2019.

Cùng với việc cả ngợi màu sắc trên Su-57, chuyên gia Nga cho rằng, phần lớn chiến đấu cơ Mỹ đều được sơn màu ghi xám, kể cả F-35, khiến đối phương khó phát hiện bằng mắt thường từ xa. Tuy nhiên, màu sắc này chưa hẳn đã phát huy hiệu quả trước radar và hệ thống cảm biến tối tân.

>>Đang đấu với Su-57, F-35 xin đình chiến về sơn tàng hình

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-my-mau-son-su-57-khong-hieu-qua-trong-chien-dau-3371035/