Chuyên gia Mỹ: 'Năm 2022, COVID-19 sẽ không chi phối cuộc sống của chúng ta quá nhiều'

Chương tiếp theo của đại dịch sẽ như thế nào và khi nào nó sẽ đến, đó là những gì mà các chuyên gia y tế Mỹ đang cố gắng tìm ra.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID_19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID_19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãy hình dung một tương lai không xa khi bạn có thể đặt chuyến du lịch hè đến Italy hoặc không cần phải tháo khẩu trang để chụp ảnh. Sau 25 tháng, việc quên đi đại dịch dù chỉ một chút cũng có thể là điều bất cẩn. Nhưng sau cùng, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào năm 2022 này.

"Tôi nghĩ nếu chúng ta làm đúng, chúng ta sẽ có một năm 2022 mà COVID không chi phối cuộc sống của chúng ta quá nhiều", Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định.

Chương tiếp theo của đại dịch sẽ như thế nào và khi nào nó sẽ đến, đó là những gì mà Tiến sĩ Yvonne Maldonado, nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Y Stanford Medicine, cũng như các chuyên gia y tế Mỹ khác đang cố gắng tìm ra.

Có nhiều mô hình bệnh dịch và bài học từ các đại dịch trong quá khứ, nhưng cách mà biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện đang khiến các nhà khoa học có phần bối rối. “Không ai trong chúng tôi thực sự đoán trước được Omicron”, Tiến sĩ Maldonado nói, "Đã có những gợi ý, nhưng chúng tôi không ngờ nó lại diễn ra như vậy”.

Omicron đã càn quét rất nhanh. Hơn 1/4 trong tổng số ca mắc của toàn bộ đại dịch COVID-19 ở Mỹ được ghi nhận chỉ trong một tháng qua do làn sóng Omicron - theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Cũng theo dữ liệu của Johns Hopkins, tính đến ngày 20/1, số ca bệnh giảm ít nhất 10% so với tuần trước ở 14 bang, nhưng 26 bang chứng kiến số ca bệnh tăng ít nhất 10%.

Làn sóng này dường như đã đạt đến đỉnh điểm ở một số khu vực mà biến thể Omicron xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, như Boston và New York. Nhưng nó vẫn hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở các vùng khác của đất nước. Chẳng hạn ở Georgia, các nhà lãnh đạo y tế thành phố Atlanta cho biết các bệnh viện vẫn quá tải. Do nhiều nhân viên y tế mắc bệnh, Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang phải lấp đầy những khoảng trống về chăm sóc sức khỏe ở các bang như Minnesota. Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards cho biết số lượng ca mắc, nhập viện và tử vong do COVID-19 "nhiều chưa từng thấy" ở bang này.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nhìn thấy hy vọng từ những gì xảy ra ở Nam Phi. Các nhà khoa học Nam Phi lần đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron vào tháng 11/2021. Các ca nhiễm ở đó đạt đến đỉnh điểm và giảm nhanh chóng. Ở Anh cũng vậy. Và đó là điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ xảy ra ở khắp mọi nơi.

Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, đồng thời là giáo sư lâm sàng danh dự tại Đại học California, Trường Y tế Công cộng Berkeley dự báo: "Từ khoảng giữa tháng 2, chúng ta bắt đầu thực sự thấy rằng mọi thứ trở nên tốt hơn."

Theo nhiều chuyên gia, nếu đợt tăng đột biến này nhanh chóng tắt, thế giới có thể trải qua một "khoảng thời gian yên tĩnh".

Chuyên gia Swartzberg tin rằng khoảng thời gian từ tháng 3 đến mùa Xuân hoặc sang mùa Hè, số ca mắc tiếp tục giảm. “Tâm lý lạc quan sẽ đến và khi đó chúng ta sẽ có thể làm được nhiều điều hơn trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ rằng tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ thực sự tốt chúng ta. Tôi khá lạc quan”, ông Swartzberg nói.

Một phần sự lạc quan của Tiến sĩ Swartzberg bắt nguồn từ thực tế là số lượng dân số có miễn dịch sẽ lớn hơn nhiều, khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường, cộng với số lượng lớn người đã mắc bệnh trong làn sóng Omicron.

"Nói chung, mức độ miễn dịch trong dân số của chúng ta sẽ cao hơn nhiều so với khi bắt đầu làn sóng Omicron, và điều đó sẽ giúp chúng ta không chỉ đối phó với Omicron và Delta, nếu chúng vẫn còn lưu hành, mà còn với bất kỳ biến thể mới nào”, Tiến sĩ Swartzberg nói và bổ sung: "Mức độ dịch như thế nào sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của các loại thuốc để can thiệp."

Một dự báo như vậy được đưa ra là bởi vì COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

“Tôi dự đoán một phiên bản khác của virus sẽ quay trở lại”, Tiến sĩ Maldonado cảnh báo. Theo ông, các biến thể tiếp theo có thể dễ lây truyền tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn Omicron. Nó có thể gây cho mọi người các triệu chứng nghiêm trọng hơn, hoặc không có triệu chứng nào.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tiến sĩ George Rutherford, nhà dịch tễ học tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Vẫn chưa rõ ràng điều gì xảy ra tiếp theo”. Ông cho biết virus có thể biến đổi dần dần, giống như những gì đã xảy ra với các biến thể Alpha và Beta, hoặc nó có thể tạo ra một bước nhảy lớn, như với Delta và Omicron.

Ví dụ, virus cúm H1N1 là một loại virus mới khi nó gây ra một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1918 - lây nhiễm cho một phần ba dân số thế giới và giết chết 50 triệu người Đại dịch đó cuối cùng đã kết thúc, nhưng virus vẫn tồn tại cùng với chúng ta tới ngày nay. Theo CDC, nước Mỹ vẫn ghi nhận trung bình khoảng 35.000 người thiệt mạng mỗi năm vì bệnh cúm.

Tiến sĩ Maldonado nói: “Đó là tổ tiên của tất cả các loại virus H1N1 mà chúng ta thấy hàng năm. Chúng đã có nhiều đột biến kể từ đó, nhưng nó là từ cùng một dòng. Vì vậy, có thể loại virus này [SARS-CoV-2] sẽ làm điều tương tự."

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Maldonado cho rằng, viễn cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm "là kịch bản tốt nhất”. Với kịch bản giống như dịch cúm H1N1, thế giới cần tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị bệnh nặng, đảm bảo họ được tiêm chủng và được tiếp cận với các kháng thể đơn dòng và kháng virus. Các công ty vaccine sẽ cần sản xuất vaccine cập nhật biến thể để mọi người có thể tiêm nhắc lại hàng năm.

Kịch bản xấu nhất là một biến thể thoát khỏi sự bảo vệ của vaccine và các phương pháp điều trị. Nhưng theo Tiến sĩ Maldonado, "điều này ít có khả năng xảy ra hơn". Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cũng cho biết ông hy vọng viễn cảnh đó không xảy ra. "Tôi không thể cung cấp cho bạn một thống kê về khả năng điều đó xảy ra, nhưng chúng ta phải chuẩn bị. Chúng ta hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, Phó giáo sư y khoa và chuyên gia về bệnh phổi tại Johns Hopkins Medicine, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta cần thêm đột phá khoa học nào nữa, chúng ta biết cách ngăn chặn bệnh COVID nặng: tiêm vaccine”.

Ông Galiatsatos đã thực hiện hàng trăm cuộc nói chuyện mỗi năm với các nhóm cộng đồng để khuyến khích nhiều người hơn đi tiêm chủng. Ông cho rằng nhà khoa học sẽ phải tiếp tục cách tiếp cận này. “Chúng ta có vũ khí để biến COVID-19 thành một trận cảm lạnh tồi tệ. Chúng ta có khoa học. Tất cả những gì mọi người cần là tiếp cận các biện pháp can thiệp, và chúng ta cần lấy lại niềm tin", ông nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-my-nam-2022-covid19-se-khong-chi-phoi-cuoc-song-cua-chung-ta-qua-nhieu-20220122122635972.htm