Chuyên gia Nga bóc mẽ sự thần kỳ vũ khí laser Mỹ

Chuyên gia Nga đã bình luận về những thông tin Mỹ có thể tạo ra vũ khí laser chống tên lửa siêu thanh hay vệ tinh.

Vũ khí Laser Nga-Mỹ

Thành công trong việc phát triển một loại laser có khả năng bắn hạ máy bay không người lái đã được Mỹ công bố. Tháng 5 năm 2020, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ công bố video thử nghiệm trình diễn Hệ thống vũ khí laser trạng thái rắn (Solid State Laser Weapons System Demonstrator), được bố trí trên tàu vận tải đổ bộ USS Portland (LPD-27) và dựa vào đó kết luận vũ khí laser có thể bắn hạ UAV.

Còn về phía Nga, lần đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai về các loại vũ khí chiến lược mới nhất của Nga, trong số đó có vũ khí laser "Peresvet" trong thông điệp gửi tới Hội đồng Liên bang vào ngày 1 tháng 3 năm 2018.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga, tướng Sergei Shoigu thông báo tổ hợp "Peresvet" từ ngày 1 tháng 12 năm 2018 đã bắt đầu tham gia vào nhiệm vụ trực chiến thử nghiệm.

Còn theo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov lưu ý, kể từ tháng 12 năm 2019, tổ hợp này đã được sử dụng để bao vệ các hệ thống tên lửa di động của Nga.

Việc chế tạo các loại vũ khí laser có khả năng phá hủy tên lửa và các thiết bị quân sự khác, giống như vũ khí thông thường hiện nay là không thể, bởi vì mâu thuẫn với các định luật vật lý, theo ông Viktor Murakhovsky - thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban tổ hợp công nghiệp quân sự Liên bang Nga nói với hãng thông tấn Nga Sputnik.

Ông đã bình luận về bài báo "Peresvet: Hệ thống laser di động của Nga làm mù vệ tinh đối phương", được xuất bản trước đó trên cổng thông tin trực tuyến The Space Review của Mỹ. Theo tờ báo điện tử Mỹ, chức năng chính của hệ thống laser mới nhất "Peresvet" là "bùng sáng" các vệ tinh.

Hơn nữa, bài báo dẫn ra sự khác biệt giữa thuật ngữ "bùng sáng" và "làm mù". Các vũ khí laser "bùng sáng" sẽ khiến các thiết bị quang học và quang điện tử mất đi tạm thời khả năng hoạt động của chúng bằng tia sáng cường độ lớn hơn so với thiết bị chúng đang cố gắng hiển thị; còn "làm mù" gây thiệt hại không thể khắc phục cho các hệ thống này.

Vũ khí laser Mỹ đã đánh chặn thành công một máy bay không người lái

Lĩnh vực ứng dụng hạn hẹp, yêu cầu cao

Bình luận về bài báo này, chuyên gia Murakhovsky nói rằng, có những ranh giới vật lý khách quan có thể áp dụng vào công nghệ laser. Những ranh giới này đã được tiếp cận vào thế kỷ trước nhờ kết quả của nhiều nghiên cứu và thử nghiệm. Nhưng “tuyên bố dũng cảm” của người Mỹ cho rằng họ sẽ bắn hạ tên lửa hay bất cứ thứ gì khác bằng tia laser, thì điều đó trở nên rất nực cười.

Trước đây, trong các chương trình phát triển laser quân sự được phát triển tích cực tại Liên Xô, đã có những mẫu thử nghiệm như "Terra-3" và "Stilet" được tạo ra, kết quả sử dụng giúp chúng ta có thể hiểu được các lĩnh vực ứng dụng thực sự của công nghệ laser trong mục đích quân sự, đó là dùng laser xác định vị trí, áp chế quang điện điện tử các hệ thống khác nhau, thông tin liên lạc ở khoảng cách ngắn và dẫn đường.

Theo ông, sẽ không có sự “bùng nổ”, bởi các định luật luật vật lý không cho phép điều đó. Để thực hiện được nó, cần có công suất rất cao để có được tia laser tập trung, nhưng hiệu suất của laser khá thấp, nếu đạt 15%, thì đã được coi là một chỉ số cực kỳ xuất sắc.

Ngoài ra, năng lượng sử dụng cho laser, phần còn lại cần phải chuyển đi đâu? Nó cần phải có bộ tản nhiệt, nhưng vũ khí như vậy sẽ rất cồng kềnh. Ngoài ra, với việc thay đổi điều kiện khí quyển, cần phải bố trí thêm hệ thống tự động tập trung quang học.

Vị chuyên gia Nga nói thêm rằng, việc không thể sử dụng tia laser làm vũ khí quân sự cũng liên quan đến thực tế loại thiết bị này khá nguy hiểm và chỉ đạt hiệu quả trong những điều kiện nhất định.

Điều kiện lý tưởng để laser hoạt động là những ngọn núi cao, ở nhiệt độ dưới 0 và không có gió. Nếu trên mặt đất, nơi có bụi, sương mù, tuyết và những yếu tố tác động khác, thì hiệu quả giảm đi rất nhiều lần.

Do đó, vũ khí laser có thể thành công khi bắn hạ các mục tiêu nhỏ, bay chậm, dùng năng lượng thấp, nhưng để nói rằng việc tạo ra các vũ khí laser có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh hay các đầu đạn tên lửa liên lục địa (ICBM) là điều phi thực tế.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/chuyen-gia-nga-boc-me-su-than-ky-vu-khi-laser-my-3409394/