Chuyên gia Nga cảnh báo về sự kết thúc 'quyền bá chủ của đồng đô la'

Quyền bá chủ của đồng đô la theo nhận xét đang bị lung lay một cách nghiêm trọng và xu hướng trên sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Tổng thống Brazil Lula da Silva mới đây đã đề xuất tạo ra loại tiền tệ chung trong khối BRICS và MERCOSUR. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu sự kết thúc quyền bá chủ của đồng đô la.

Khối BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, trong khi đó MERCOSUR là khối thị trường chung của Nam Mỹ.

Tổng thống Brazil tại một hội nghị với người đồng cấp Argentina đã nói rằng ông có thể đã sử dụng tiền tệ quốc gia trong ngoại thương từ lâu, nếu quá trình này chỉ phụ thuộc vào bản thân mình.

Brazil không phải quốc gia đầu tiên nghĩ đến việc cần phải rời xa đồng USD. Mùa thu năm ngoái, Moskva và Bắc Kinh đã bắt đầu chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong thanh toán hợp đồng cung cấp năng lượng.

Giám đốc Trường Tài chính cao cấp thuộc Đại học Kinh tế Nga Plekhanov - Tiến sĩ Konstantin Ordov trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE) nhận xét, những gì đang xảy ra trên thế giới có thể được gọi là khởi đầu đối với sự kết thúc quyền bá chủ của đồng đô la

“Hai nước Brazil và Argentina nằm trong trên cùng một lục địa với Mỹ. Sự phụ thuộc của họ vào đồng USD là chìa khóa phát triển kinh tế trong nhiều thập kỷ".

"Năm 2021 cho thấy người Mỹ - do kết quả của một "sứ mệnh tiền tệ" chưa từng có, đã đặt lợi ích của nền kinh tế và công dân chính họ cao hơn đáng kể so với lợi ích của toàn thế giới, về cơ bản là Washington bơm tiền ra một cách mất kiểm soát".

"Điều này dẫn đến lạm phát. Không ai muốn đầu tư vào nợ công của Mỹ nữa, trong khi yếu tố trên vốn được tiền tệ hóa và chi cho việc hỗ trợ cuộc sống thượng lưu của người Mỹ, gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu”, người đối thoại của tờ PE giải thích

Ông Ordov nhớ lại, khái niệm về tiền tệ khu vực đã bắt đầu được phát triển từ vài năm trước. Trong quá trình đẩy mạnh nền kinh tế số hóa, quá trình lưu thông tiền tệ trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận hơn rõ rệt, các hệ thống thanh toán quốc gia hài hòa đã xuất hiện.

Bây giờ việc chuyển đổi giữa các đồng tiền quốc gia là điều không khó thực hiện. Cuối cùng, ý nghĩa của đồng đô la với tư cách là một loại tiền dự trữ đã bị mất.

Những giao dịch bằng USD mang lại cho các nhà quản lý Mỹ cơ hội chặn hoặc đóng băng hoạt động ngoại thương. Họ có ảnh hưởng quan trọng, mặc dù thực tế là không phải là một bên tham gia, nhà kinh tế học người Nga cho biết.

Chính vì vậy, nhiều quốc gia muốn bỏ tờ bạc xanh để duy trì tiềm lực kinh tế của họ. Ví dụ như Brazil - bằng cách đề xuất tạo ra đồng tiền thanh toán riêng sẽ phá vỡ xiềng xích kìm hãm sự phát triển.

“Không ai thích đồng USD trở thành một yếu tố ngăn cản và hạn chế bổ sung. Các quốc gia đều muốn độc lập định hình chính sách thương mại và kinh tế đối ngoại của mình".

"Người Mỹ rõ ràng cảm thấy khó chịu hơn khi nhiều nước giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la so với trước đây, họ đang mất cơ hội tận hưởng việc sử dụng một loại tiền tệ mạnh và ổn định".

"Các xu hướng đang thay đổi, niềm tin và sự quan tâm đến đồng đô la đang giảm ngay cả ở những quốc gia nằm gần Mỹ, và đây là dấu hiệu rõ ràng”, ông Ordov nói thêm.

Về mặt công nghệ, sẽ không có khó khăn gì trong việc tạo ra các loại tiền tệ khu vực, người đối thoại của tờ PolitExpert chắc chắn.

Mong muốn của nhiều nước trong việc thanh toán bằng đồng nội tệ là điều tự nhiên: tiền tệ quốc gia là thuộc tính chính của nền độc lập. Chuyên gia Ordov nói thêm rằng trung gian dưới quyền năng của đồng USD không còn cần thiết cho thị trường thế giới.

“Về mặt công nghệ, mọi thứ đều đơn giản. Một câu hỏi khác là sự nhanh chóng, điều này xuất hiện ở những quốc gia có kim ngạch thương mại cao. Họ không cần chi phí bổ sung để chuyển đổi thành đô la, sau đó thành tiền tệ của đối tác và lo ngại về giao dịch".

"Theo nguyên tắc này, có thể dự đoán nơi những liên minh như vậy sẽ được hình thành: kim ngạch thương mại càng lớn, lợi ích kinh tế và tài chính của việc từ bỏ đồng đô la càng cao. Điều này có thể thấy ở liên minh kinh tế Nga - Trung Quốc, hay Argentina - Brazil".

"Những nước này không cần trung gian. Chẳng bao lâu nữa trên thế giới, chúng ta sẽ không chỉ chứng kiến liên minh giữa các quốc gia có chung biên giới, mà còn cả liên lục địa”, chuyên gia kinh tế Ordov kết luận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-nga-canh-bao-ve-su-ket-thuc-quyen-ba-chu-cua-dong-do-la-post529334.antd