Chuyên gia Nga: F-22 không thể tiếp cận Su-35

Với khả năng của radar Irbis và vũ khí trên Su-35, tiêm kích tàng hình F-22 không thể tiếp cận để khai hỏa, trong khi vũ khí tầm xa không đủ mạnh.

Nhận định được chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov khi nói về cán cân sức mạnh giữa Su-35 và F-22 của Mỹ. Chuyên gia Nga cho rằng công nghệ tàng hình được sử dụng trên máy bay quân sự Mỹ B-2 Spirit, F-22 Raptor và F-35 Lightning II có những sai sót nghiêm trọng bởi công nghệ tàng hình không thể giúp chúng vô hình và tiêm kích Nga đủ khả năng phát hiện và tấn công chúng ở khoảng cách an toàn.

Ông Leonkov trích dẫn các chỉ số về tầm xa mà tiêm kích nội địa thế hệ 4++ Su-35 với trạm radar Irbis có thể phát hiện được tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 Raptor của Mỹ. Hóa ra là máy bay F-22 Raptor có thể bị nhìn thấy ở khoảng cách 266 km, đó là lý do tại sao nó không thể lặng lẽ phóng tên lửa AIM-120D ở khoảng cách 180 km.

Chuyên gia lưu ý rằng công nghệ tàng hình của Mỹ dựa trên việc phân tán bức xạ của chúng theo hướng ngược lại với ăng ten radar, nên hiệu quả của hệ thống phụ thuộc vào tần số hoạt động của hệ thống phòng không đối phương.

"Về cơ bản, chúng được thiết kế cho dải tần X (bước sóng centimet). Nếu radar đối phương sử dụng dải L (sóng decimet) hoặc Ka (sóng milimet) thì máy bay Mỹ sẽ gặp nguy hiểm. Và những radar hoạt động trong mọi phạm vi, cụ thể là các mảng ăng-ten hoạt động theo từng giai đoạn, khiến việc tàng hình trở thành công nghệ vô nghĩa", chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Cùng với đó, giới quân sự Nga cũng cho rằng, dù là chiến đấu cơ thế hệ 4++ nhưng nhiều chỉ số của Su-35 được đánh giá vượt trội trước tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ. Ưu điểm hàng đầu của radar Irbis trên Su-35 là có thể giám sát một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với radar quét cơ khí truyền thống. Bộ vi xử lý của radar PESA liên tục tạo ra các búp sóng phụ, cho phép theo dõi trong khi đang quét.

Nó còn tập trung được một chùm tia nhỏ vào mục tiêu nhất định để dẫn đường cho tên lửa sử dụng radar bán chủ động công kích. Trước khi Su-35 được trang bị Irbis, hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) này đầu tiên trên thế giới là Zalson có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên tới 400 km hiện đang được Nga trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Với việc được nâng cấp hệ thống radar PESA, tiêm kích Su-35 có tầm quan sát gần gấp đôi hệ thống radar AESA AN/APG-77 trên tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ hiện nay - có tầm hoạt động hiệu quả chỉ từ 200 - 250 km. Trong khi nhiều người Mỹ tin rằng, F-22 Raptor là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới hiện nay nhưng tạp chí quốc phòng National Interest của Mỹ khẳng định, người Nga sở hữu Su-35 vượt trội hơn so với F-22 của Mỹ.

Theo báo Mỹ, chiếc máy bay hiện đại F-22 của Mỹ tồn tại một số nhược điểm chết người, trong đó phải kể đến khả năng mù trong vùng sóng hồng ngoại. Theo đó, những đối thủ chính của F-22 đã có đầy đủ cảm biến dò tìm và theo dõi trong vùng sóng hồng ngoại có nghĩa là cho phép phát hiện mục tiêu nhờ tín hiệu nhiệt.

Ngoài ra, tiêm kích F-22 cũng không có trạm radar phụ, điều này có nghĩa là sau khi khởi động tên lửa không thể câp nhật những dữ liệu mới. Do thiếu trạm radar này nên khi máy bay thay đổi góc quay có thể mất khả năng định vị mục tiêu. Chính vì vậy, dù là dòng tiêm kích thế hệ 5 nhưng F-22 không được đánh giá cao khi so sánh với chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 của Không quân Nga. Ảnh trong bài: Tiêm kích Su-35. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/anh-nong/chuyen-gia-nga-f-22-khong-the-tiep-can-su-35-3429142/