Chuyên gia Nga nói về Taliban và tương lai Afghanistan

Tại thủ đô Doha của Qatar, một vòng đàm phán mới giữa Afghanistan đã bắt đầu vào hôm 17/7

Taliban kêu gọi xây dựng hệ thống Hồi giáo độc lập

Tại thủ đô Doha của Qatar, một vòng đàm phán mới giữa Afghanistan đã bắt đầu vào hôm 17/7. Các vòng đàm phán trước đó đã diễn ra ở Qatar trong mười tháng với sự gián đoạn, mà không dẫn đến bất kỳ tiến triển nào, hai bên thậm chí không thể thống nhất với nhau về chương trình nghị sự.

Một nguồn tin trong phái đoàn chính phủ Afghanistan cho biết hai bên sẽ bắt đầu thảo luận về khả năng giảm bạo lực trong nước và chấm dứt đối đầu quân sự, thành lập chính phủ và thả bảy nghìn tù nhân trong số các tay súng Taliban khỏi các nhà tù.

Khi mở đầu vòng đàm phán mới ở Qatar, người đứng đầu phái đoàn Taliban, Mullah Baradar Akhund, nói rằng, Taliban nhận thấy cần thiết phải tạo ra một “hệ thống Hồi giáo độc lập mạnh mẽ” trong đất nước cho sự thịnh vượng của Afghanistan.

Ông này cho biết, nếu hòa bình ngự trị trên đất nước, có thể chắc chắn trong một thời gian rất ngắn nữa Afghanistan sẽ có một cuộc sống thịnh vượng, thoải mái và trang nghiêm. Để đạt được tất cả những điều này, cần có một hệ thống Hồi giáo tập trung và độc lập mạnh mẽ.

“Về mặt này, chúng ta phải vượt ra khỏi sự ích kỷ, lợi ích và tham vọng cá nhân. Afghanistan là ngôi nhà chung của tất cả người dân Afghanistan” - người đứng đầu phái đoàn Taliban phát biểu.

Theo ông, ở Afghanistan cần có một hệ thống [chính trị] có tính đến tôn giáo và tín ngưỡng của người dân Afghanistan.

“Chúng ta muốn tiến bộ, cuộc sống tốt đẹp và thoải mái, nhưng phải tính đến các giá trị Hồi giáo, độc lập và tự do của mình”, Baradar nói thêm.

Ông này kêu gọi “chấm dứt sự ngờ vực ở người dân Afghanistan, hành động vì sự đoàn kết của người dân và kiên quyết chống lại mọi âm mưu đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia, đồng thời phản đối các định kiến về sắc tộc, địa phương, ngôn ngữ và các định kiến khác”.

Người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban nhấn mạnh “Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” [thành lập vào năm 1996 khi Taliban bắt đầu cai trị Afghanistan và kết thúc khi họ bị lật đổ vào năm 2001] đã tuyên bố rõ ràng sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực nào phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của đất nước.

Vừa qua, phong trào vũ trang này sẽ tuyên bố ngừng bắn 3 tháng với điều kiện chính quyền Kabul phải trả tự do cho 7.000 tù nhân và loại tổ chức này khỏi danh sách đen [khủng bố] của Liên hợp quốc, nhà đàm phán từ phía chính phủ Afghanistan là ông Nader Naderi cho biết.

Taliban đã vẽ ra triển vọng tươi sáng cho tương lai của Afghanistan

Taliban đã vẽ ra triển vọng tươi sáng cho tương lai của Afghanistan

Taliban cam kết những gì về tương lai của Afghanistan?

Vừa qua, Taliban cũng đã nói về việc tổ chức vũ trang này sẽ xây dựng tương lai Afghanistan như thế nào.

Theo ủy viên văn phòng chính trị của Taliban, ông Suhail Shahin, khi chính phủ Hồi giáo toàn Afghanistan được thành lập, đàn ông, phụ nữ và trẻ em sẽ sống trong một đất nước tự do, hòa bình và an ninh. Họ sẽ tham gia vào công cuộc khôi phục và cải thiện đất nước. Sẽ không có sự can thiệp của nước ngoài.

Với việc thành lập Chính phủ Hòa nhập Hồi giáo Afghanistan, sẽ có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của người dân Afghanistan.

Ở những khu vực Taliban kiểm soát chiếm phần lớn diện tích Afghanistan, người dân đang sống trong hòa bình. Họ tự do lựa chọn công việc và nghề nghiệp. Trong những khu vực này an ninh tốt, không giống như những khu vực do chính quyền Kabul kiểm soát.

Theo người đại diện Taliban, tổ chức này sẽ làm tất cả để cải thiện nền kinh tế đất nước. Họ sẽ tập trung phát triển chương trình ngắn hạn và chương trình dài hạn để tái thiết Afghanistan và cơ sở hạ tầng trong nước.

Taliban thừa nhận ở giai đoạn đầu, họ sẽ không thể dựa vào các nguồn lực của mình và cam kết sẽ hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới theo hướng này, với sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Nhưng trong tương lai, Taliban sẽ phấn đấu tự lực cánh sinh.

Ông Suhail Shahin cho biết, tổ chức này đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, kể cả phụ nữ cũng có thể học từ tiểu học cho đến đại học. Nếu trong một số khu vực thiếu cơ hội, thì đó là do vấn đề điều kiện, chứ không phải do chính sách của Taliban, họ sẽ cố gắng hết sức để cải thiện tình hình này.

Về việc nâng cao mức sống của người dân là dẹp nạn trồng và buôn bán thuốc phiện, Taliban khẳng định họ “phản đối việc trồng trọt và buôn lậu ma túy”, mục tiêu của phong trào này là đưa các chỉ số này về con số không.

Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng vì người dân Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, nên cần có những cách khác để kiếm sinh kế.

Chuyên gia nghi ngờ viễn cảnh của Taliban

Nhiều chuyên gia đã có những bình luận không lấy gì làm lạc quan về viễn cảnh Afghanistan, đặc biệt là những điều kiện Taliban nêu ra để thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Afghanistan.

Giám đốc trung tâm phân tích của Hiệp hội các nhà khoa học chính trị Nga, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Afghanistan, ông Andrei Serenko đã bình luận về các yêu cầu mà Taliban đưa ra là “chỉ nhằm phục vụ mục đích tiếp tục chiến tranh”.

Afghanistan hiện đang là một trung tâm trồng trọt và sản xuất thuốc phiện

“Những gì Taliban đang đề xuất không phải là điều kiện để đàm phán, mà là công cụ để bổ sung hàng ngũ chiến binh” – ông Andrei Serenko nói.

Theo ông, Taliban đã phải chịu những tổn thất lớn trong các cuộc tấn công mới đây ở Afghanistan.

Kể từ tháng 5, theo một số nguồn tin, thiệt hại của Taliban lên tới 15.000 người, trong đó, tổn thất nghiêm trọng về nhân sự chỉ huy cấp cao, cấp trung và cấp thấp bị tiêu diệt nhiều trong vòng vài tuần. Ngoài ra, Taliban cũng thất bại trong việc tuyển mộ quân ở nước láng giềng Pakistan.

Ông lưu ý rằng, đối với Taliban, điều quan trọng không chỉ là bổ sung hàng ngũ của mình với các chiến binh mới, mà còn phải giải quyết vấn đề nhân sự chỉ huy. Đây là các thành viên “có số” hiện đang ngồi trong các nhà tù ở Kabul và các thành phố khác của Afghanistan.

Ông Andrei Serenko chỉ ra vấn đề tiếp theo là việc xóa tên khỏi danh sách đen của Liên hợp quốc là một yêu cầu khác của Taliban, nhằm mục đích khôi phục vị thế chính trị của họ và quá trình đàm phán không nên bắt đầu từ việc này.

Một chuyên gia Nga khác là ông Nikita Mendkovich, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Afghanistan hiện đại, đã chia sẻ lo lắng về việc Taliban có thể biến Afghanistan thành một “cường quốc ma túy” lớn nhất trên thế giới, thậm chí là trở thành một “Mexico thứ hai”.

Theo ông, nền kinh tế Afghanistan sống được chủ yếu nhờ viện trợ nước ngoài, nếu Taliban giành chiến thắng, họ sẽ phải tìm phương cách thay thế để bổ sung ngân sách, và giải pháp thay thế đó sẽ là tăng khối lượng buôn lậu ma túy dạng thuốc phiện từ Afghanistan, hiện đang chiếm 40-60% thu nhập của nhóm vũ trang cực đoan này.

Có nguy cơ là Afghanistan sẽ phát triển theo mô hình Mỹ Latinh, nơi các băng nhóm tội phạm ma túy cấp tỉnh phát triển thành các cartel (tập đoàn) ma túy hiện đại, đại diện cho một thế lực độc lập, thậm chí có khả năng đe dọa ngay cả chính phủ của các nước lớn như Mexico.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chuyen-gia-nga-noi-ve-taliban-va-tuong-lai-afghanistan-3435674/