Chuyên gia Nga: Pháo railgun Mỹ chỉ dùng để lừa đồng minh

Dù Mỹ đã thử thành công pháo điện từ với mục đích phòng không nhưng còn xa vũ khí này mới có tốc độ và hiệu quả chiến đấu như S-300.

Nhận định này được chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga là Andrei Koshkin đưa ra trong cuộc trò chuyện với hãng Sputnik bình luận về tuyên bố Hải quân Mỹ đã thử thành công hệ thống pháo điện từ có thể đẩy viên đạn bay với tốc độ Mach 6 (7400km/h).

Mỹ thử pháo điện từ.

Mỹ thử pháo điện từ.

"Các thực nghiệm với vũ khí điện từ (railgun), hoặc các thiết bị như vậy thường được Mỹ gọi là đã được thực hiện từ khá lâu. Các thiết bị như vậy có cả ưu điểm và nhược điểm. Nếu tính đến ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, kết quả có thể có thể đạt tới vài km hoặc thậm chí hàng chục km", ông Andrei Koshkin nói.

Tuy nhiên theo ông, những viên đạn được bắn ra từ vũ khí điện từ không có đủ tốc độ để cạnh tranh với vũ khí tên lửa truyền thống.

"Người Mỹ rất quan tâm đến vũ khí phát triển theo hướng này, họ muốn sử dụng railgun như một phương tiện phòng không. Nhưng mặc dù tốc độ của viên đạn đã đạt hơn hai nghìn mét mỗi giây, vẫn không đủ để vượt qua các tên lửa, như trong hệ thống phòng không S-300 của Nga bay tới mục tiêu với tốc độ 9 Mach", ông Andrei Koshkin nói.

Nhược điểm tiếp theo khiến viên đạn bắn ra từ vũ khí điện từ không thể cạnh tranh được với hệ thống phòng không truyền thống khác đó chính là độ chính xác. Bởi những vien đạn này đơn thuần chỉ là bay theo quán tính. Không những vậy chúng còn dễ dàng bị tác động bởi yếu tố môi trường và thời tiết.

Sự thiếu hiệu quả của railgun cũng đã được vị chuyên gia khác của Nga là Konstantin Sivkov cho biết, những người ủng hộ dự án này cho rằng, pháo ray điện từ sẽ giúp Washington chiếm ưu thế trước Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao.

Một số quan chức Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai các tàu chiến trang bị vũ khí này ở Baltic để giúp đồng minh chống lại Nga. Nhưng Sivkov cho rằng hiện nay, "vũ khí kỳ diệu mới" của Mỹ đơn thuần chỉ là một đòn tâm lý chiến để trấn an các đồng minh nhẹ dạ của Washington ở châu Âu, đồng thời là một nỗ lực vô ích để lại một lần nữa lôi kéo nước này vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng lãng phí.

Pháo ray điện từ khiến các phương tiện mang nó như tàu chiến rất dễ bị tổn thương. Sau khi bắn ra quả đạn, nó phát ra các sóng điện từ và bức xạ nhiệt mạnh, kết quả là các trạm radar của đối phương dễ phát hiện tàu, dù là có tính năng tàng hình mạnh đến mức nào.

Tất nhiên là sau đó ngay lập tức sẽ có đòn đáp trả đường không, đường biển hoặc trận pháo kích trả đũa. Các siêu hạm khổng lồ của Mỹ sẽ biến thành các tấm bia tập bắn di động trên biển của hàng loạt tên lửa chống hạm. Như vậy, rất có thể đợt pháo kích đầu tiên của nó cũng sẽ là lần bắn cuối cùng.

Ngoài ra, phải qua một thời gian rất dài nữa, khi công nghệ điện từ trường đạt được những thành tựu mới mang tính đột phá, đồng thời phải qua rất nhiều những cải tiến để thu gọn kích cỡ hệ thống, pháo điện từ mới có thể trở thành một loại vũ khí đáng quan tâm.

Chỉ khi nào Mỹ tạo ra được một từ trường mạnh có khả năng phóng quả đạn với vận tốc tương đương Mach 20, tức là rất gần tốc độ vũ trụ, ngang với tốc độ của tên lửa đạn đạo liên lục địa thì pháo ray điện từ sẽ trở thành siêu vũ khí đầy triển vọng trong tương lai.

Còn bây giờ đây pháo điện từ Mỹ đơn thuần chỉ là một thiết bị thử nghiệm công nghệ dùng để đánh lừa đồng minh mà thôi, vị chuyên gia Nga kết luận.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-nga-phao-railgun-my-chi-dung-de-lua-dong-minh-3381472/