Chuyên gia Nga thừa nhận S-200 Syria bất lực trước F-16 Thổ Nhĩ Kỳ

Hệ thống tên lửa phòng không S-200 Angara mặc dù có tầm bắn rất xa nhưng lại tồn tại quá nhiều nhược điểm, khó lòng bắn hạ được tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông khu vực Trung Đông cho biết, mới đây lực lượng phòng không Syria đã có đòn đáp trả các vụ tấn công của máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hệ thống tên lửa S-200 Angara.

Truyền thông khu vực Trung Đông cho biết, mới đây lực lượng phòng không Syria đã có đòn đáp trả các vụ tấn công của máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hệ thống tên lửa S-200 Angara.

Tuy nhiên kết quả không được như ý muốn của Damascus, tên lửa sau khi phóng đi đã nhanh chóng mất mục tiêu và rơi vào chế độ tự hủy.

Báo chí Nga cũng xác nhận thông tin trên khi khẳng định các hệ thống phòng không Syria bắt đầu tấn công máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm biên giới nước này.

Tuy nhiên giới quân sự biết rằng việc quân đội chính phủ Syria sử dụng hệ thống phòng không S-200 để cố gắng bắn hạ F-16 là điều cực khó, nếu như chưa muốn nói là xác suất gần như bằng 0.

Chuyên gia Alexey Podberezkin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị - quân sự MGIMO cho rằng tổ hợp S-200 là vũ khí cũ, được thiết kế để đánh bại máy bay ném bom kích thước cồng kềnh, hoạt động ở độ cao lớn.

Đối mặt với những chiến đấu cơ hiện đại như F-16 Block 50/52 của Thổ Nhĩ Kỳ với kích thước nhỏ, độ cao hoạt động thấp thì rất khó để S-200 đánh chặn thành công.

Thiết bị điện tử của tổ hợp S-200 đều là công nghệ của thập niên 1960 đã quá lạc hậu trong thời đại kỹ thuật số, nó dễ dàng bị đối phương chế áp làm vô hiệu hóa.

Bên cạnh đó, đạn tên lửa đánh chặn 5V28E của S-200 mặc dù có kích thước rất lớn, mang theo đầu đạn nặng 217 kg sức công phá cao nhưng lại rất kém trong cơ động.

Đài radar cảnh giới kiêm chiếu xạ 5N62 đã lạc hậu của tổ hợp S-200 rất khó dẫn bắn hiệu quả cho đạn 5V28E khi tiêu diệt các mục tiêu bay ở cự ly gần và độ cao thấp.

Chuyên gia Podberezkin còn nhận xét nhiệm vụ định vị mục tiêu cho hệ thống S-200 Angara là rất phức tạp bởi đặc điểm địa hình nhiều đồi núi xung quanh tỉnh Idlib của Syria.

Do bề mặt cong của Trái đất, bán kính phát hiện và tầm bắn hiệu quả của S-200 giảm mạnh, chỉ còn khoảng 15 - 20 km. Do đó, kíp trắc thủ của tổ hợp tên lửa không có thời gian phản ứng kịp thời trước cuộc tấn công.

Chiến công bắn hạ chiếc F-16D của Không quân Israel mà S-200 Syria từng làm được là trường hợp hy hữu, khi chiếc F-16 này ở độ cao lớn để dẫn bắn tên lửa đối đất và chủ quan không lẩn tránh khi đạn phòng không bay tới.

Còn khi đối phó với F-16 Thổ Nhĩ Kỳ thường thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng sau những dãy núi bao bọc quanh tỉnh Idlib thì quá khó để S-200 Syria có thể bắn hạ chúng.

Tình hình chỉ có thể khá hơn khi lực lượng phòng không Syria điều tới đây hệ thống Buk-M2E với radar mảng pha thế hệ mới, hoặc họ quyết định sử dụng tổ hợp S-300 để khóa chặt bầu trời Idlib.

Mặt khác theo báo chí Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có tên lửa đối đất tầm xa, điều này buộc các phi công của họ phải mạo hiểm tiếp cận mục tiêu, đây có thể là cơ hội cho các tổ hợp phòng không Syria nếu biết ẩn mình chờ thời.

Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/chuyen-gia-nga-thua-nhan-s-200-syria-bat-luc-truoc-f-16-tho-nhi-ky/20200313102127960