Chuyên gia ngôn ngữ học giải thích về nghĩa của từ 'nựng' và sự ngụy biện của nguyên viện phó VKS Đà Nẵng

Trước lời giải thích của nguyên viện phó VKSND TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh về hành vi của mình trong thang máy chỉ là 'nựng', ngay lập tức dư luận đã có những phản ứng trái chiều.

Liên quan đến vụ việc bé gái bị sàm sỡ trong thang máy TP.HCM, ngày 3/4, làm việc với Công an quận 4, ông Nguyễn Hữu Linh chỉ thừa nhận thấy bé gái dễ thương nên "nựng", không có hành vi sờ mó thân thể nạn nhân. Tuy nhiên, Công an TP. HCM xác định người đàn ông này "có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy".

Có thể nói, những ngày qua trước lời giải thích của ông Nguyễn Hữu Linh rằng mình chỉ “nựng” bé gái, dư luận không khỏi bức xúc và cho rằng lời giải thích này chỉ là biện minh. Hàng loạt bình luận thắc mắc trên mạng xã hội cũng tỏ ra khó hiểu thế nào là “nựng”?

Hành động này được cựu viện phó VKSND TP.Đà Nẵng giải thích chỉ là "nựng" gây khó hiểu (Ảnh cắt từ clip).

Hành động này được cựu viện phó VKSND TP.Đà Nẵng giải thích chỉ là "nựng" gây khó hiểu (Ảnh cắt từ clip).

Để hiểu rõ hơn về khái niệm thế nào là “nựng” và thế nào là “sàm sỡ” trong hệ thống Từ điển Tiếng việt, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Theo đó, trả lời về khái niệm về từ “nựng”, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết: “Nựng có nghĩa là tỏ rõ sự âu yếm trẻ con bằng lời nói, cử chỉ. Ví dụ như mẹ vừa bế con vừa nựng, bà nựng cháu bằng những lời ngon ngọt, bác xoa đầu rồi nựng yêu…”.

Giải thích nghĩa của từ “sàm sỡ”, PGS.TS Phạm Văn Tình cho hay: “Sàm sỡ có nghĩa là có thái độ thiếu đứng đắn trong quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ, lợi dụng, có thái độ và cử chỉ không đúng đắn. Thường đi quá một ngưỡng chuẩn mực nào đó thì gọi là sàm sỡ”.

Từ những lời giải thích này, vị chuyên gia ngôn ngữ học này phân tích ở tình huống cụ thể là cựu viện phó VKSND TP.Đà Nẵng nói rằng hành vi của mình trong thang máy với bé gái chỉ là “nựng”: “Cần phải xem hành động đó được thực hiện trong bối cảnh như thế nào? Nếu để gọi là “nựng” thì thường người lớn có quan hệ thân tình có thể nựng người bé như cháu của mình. Ông Nguyễn Hữu Linh cũng có thể nựng bé mặc dù không cần phải là người thân nếu bé này khóc hoặc hoảng sợ, vướng mắc gì đó. Nhưng, trong bối cảnh này thì có đúng là nựng hay không, hay chỉ là lợi dụng thì cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ”.

PGS.TS Phạm Văn Tình

Khi theo dõi clip camera ghi lại, cùng với lời giải thích “chỉ là nựng” của vị cựu viện phó VKSND TP.Đà Nẵng, PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng: “Tôi có cảm giác trong trường hợp này thì lời giải thích của ông này chỉ nựng là chưa phù hợp lắm, đây chỉ là lời biện bạch chối bỏ hành vi được coi là xấu. Vì vậy, dùng từ “nựng” là không phù hợp trong tình huống nói trên”.

Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh (công ty luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh: “Vụ việc bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở TP.HCM, rõ ràng nhìn vào camera, hình ảnh thì đây là hành động ôm, hôn, sờ… có đụng chạm. Không còn nằm trong nghị định 167 về xử lý vi phạm hành chính chỉ là cử chỉ, lời nói nữa mà đây là hành động cụ thể. Hành động này có thể ghép vào hành vi dâm ô.

Tuy nhiên, trong hành lang pháp lý cụ thể hiện nay có nêu hành vi dâm ô là có các hành vi cụ thể, sờ mó đến các bộ phận nhạy cảm. Nhưng, việc định nghĩa các bộ phận nhạy cảm này là những bộ phận nào, đâu được coi là bộ phận nhạy cảm thì các cơ quan công quyền cần phải làm rõ hơn. Có thể thấy, đây rõ ràng là hành động nên không thể áp dụng nghị định 167 về xử lý vi phạm hành chính được mà hành động này phải xử lý hình sự”.

Nghe audio: Luật sư phân tích yếu tố pháp lý vụ viện phó VKSND TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ngon-ngu-hoc-giai-thich-ve-nghia-cua-tu-nung-va-su-nguy-bien-cua-nguyen-vien-pho-vks-da-nang-a428724.html