Chuyên gia Nhật phản bác Sở TNMT TP.HCM vì 'chê' công nghệ nano

Công ty Việt Nhật sẽ không ưu tiên áp dụng công nghệ nano cho TP.HCM sau khi Sở TNMT nhận định đề xuất của công ty này chưa có hướng xử lý các chất ô nhiễm trong nước.

Sau khi Zing.vn đăng tải bài báo "TP.HCM 'chê' công nghệ xử lý nước thải nano của Nhật Bản", ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) đã phản hồi về một số nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM.

Theo ông, việc sở này đưa ra nhận định khi chưa có đầy đủ thông tin về công nghệ Nano-Bioreactor đang áp dụng tại sông Tô Lịch là thiếu khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Công nghệ nano có thể cung cấp oxy vô tận

Trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM, Sở TNMT nhận định thiết bị Nano-Bioreactor không thể cung cấp oxy vô tận bởi thiết bị này cần điện năng để hoạt động. Như vậy, nếu ngưng cung cấp điện cho thiết bị cũng đồng nghĩa với việc khả năng cung cấp bọt khí - oxy chấm dứt.

Công ty JVE cho rằng nguồn oxy vô tận có thể tạo ra từ các tấm vật liệu thiên nhiên. Ảnh: Việt Hùng.

Tiến sĩ Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, phản bác ý kiến này và thông tin ngoài nguồn oxy tạo ra từ máy nano, hệ thống còn có nguồn oxy tạo ra từ hoạt động của các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor không cần dùng điện. Vật liệu Bioreactor được làm từ đá núi lửa dạng tổ ong cùng xốp chế tạo theo bí quyết đặc biệt của Nhật Bản.

Sau khi đặt vào nước, các tấm vật liệu kích hoạt được nhiều loại vi sinh vật, trong đó chủ yếu là vi sinh vật yếm khí, tiết ra nhiều enzyme. Nhờ enzyme, phân tử nước được cắt mạch giống quá trình điện phân giải phóng oxy và cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước tăng mạnh.

Bảng phân tích hàm lượng oxy hòa tan tại hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng). Ảnh: Công ty JVE cung cấp.

Phía chuyên gia Nhật Bản dẫn chứng công nghệ Bioreactor thế hệ đầu tiên đã được áp dụng tại hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An, TP. Hải Phòng) từ tháng 5/2017.

Sau hơn 2 năm, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã phân tích mẫu nước trong hồ và kết luận hàm lượng oxy hòa tan trong nước đảm bảo Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước mặt, nguồn nước không bị tái ô nhiễm và cá sinh trưởng tốt.

Nước thải đổ vào liên tục vẫn xử lý được trong ngày

Theo Sở TNMT, một yếu tố khác mà công nghệ của Công ty Nhật Việt chưa đáp ứng được là thời gian xử lý, phục hồi cần 2 - 3 tháng trong khi nước bẩn thải ra hàng ngày.

Đáp lại luận điểm trên, Tiến sĩ Takeba Akira cho biết sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O thì dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục cũng sẽ được xử lý trong ngày mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn hay luân chuyển nước thải đi nơi khác.

Tiến sĩ Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản. Ảnh: Sơn Hà.

Tại văn bản báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở TNMT cho rằng "công nghệ này hoàn toàn không có cơ chế để tạo ra các gốc tự do vì muốn tạo ra các gốc tự do này phải có các tác nhân oxy hóa rất mạnh".

Đáp lại ý kiến trên, chuyên gia Nhật chia sẻ mặc dù không thể tiết lộ hết bí quyết phát minh nhưng công nghệ sục khí nano hoàn toàn có khả năng giải quyết các vấn đề này.

Theo đó, các gốc oxy hóa mạnh được tạo ra bởi công nghệ nano có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ và tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Sau quá trình vận hành, các chất ô nhiễm, bùn hữu cơ sẽ không còn, ngoài ra các vi khuẩn có hại trong môi trường nước sẽ dần được thay thế bằng vi sinh vật có lợi.

Theo số liệu phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tại dự án hồ Hùng Thắng (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), sau 1 tháng xử lý, chủng vi sinh vật có lợi đã tăng 60.000 lần, sau 1,5 tháng đã tăng 80.000 lần.

Bảng phân tích chất lượng nước tại hồ Hùng Thắng (Quảng Ninh) sau 1,5 tháng. Ảnh: Công ty JVE cung cấp.

Chuyên gia Nhật đánh giá về mặt công nghệ xử lý cũng như hiệu quả kinh tế, công nghệ Nano-Bioreactor sẽ tiết kiệm tới hàng trăm nghìn tỷ đồng so với việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải để tách nước từ nguồn, xử lý ô nhiễm.

Ngoài ra, máy Nano-Bioreactor có nhiều loại công suất, loại máy 7.5kW có thể xử lý trên diện tích 7 ha. Công nghệ này cũng đã áp dụng tại các dự án có diện tích rộng lớn.

Sau những nhận định của Sở TNMT TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật, cho biết sẽ không ưu tiên áp dụng công nghệ Nano-Bioreactor cho việc xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số kênh rạch ở TP.HCM.

Chuyên gia Nhật Bản ngâm mình trong nước sông Tô Lịch Chiều 8/8, để chứng minh hệ thống làm sạch nước sông Tô Lịch đạt tiêu chuẩn, chuyên gia Kubo Jun đã ngâm mình trong bể thành phẩm.

Quang Huy - Sỹ Đông

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-gia-nhat-phan-bac-so-tnmt-tphcm-vi-che-cong-nghe-nano-post980197.html