Chuyên gia nhi khoa chỉ ra sai lầm khi chữa táo bón cho trẻ

Táo bón lâu ngày có thể gây những biến chứng đáng sợ cho trẻ nhưng nhiều cha mẹ không chú trọng việc chữa trị. Song bên cạnh những gia đình đánh giá thấp việc chữa táo bón cho con, lại có người quá nhạy cảm, thấy con 'đi khó' là xăng xái tìm cách chữa, nhưng lại không biết là phải chữa từ đâu.

Chăm sóc trẻ điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh T.Nguyên

Chăm sóc trẻ điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh T.Nguyên

Thấy con "đi" khó đã nghĩ ngay táo bón

Con trai của chị Hoài (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay 3 tuổi, mới đi học mẫu giáo. Từ nhỏ, chị đã chủ động cho con ăn rất nhiều loại rau, củ, quả nên không như đứa trẻ khác, con chị rất thích ăn rau. Bình thường, khi chưa đi lớp, cháu vẫn duy trì đều đặn đi vệ sinh khoảng 4 lần/tuần.

Cách đây gần một tuần, thấy con khá vất vả khi phải đi vệ sinh, thường phải rặn nhiều, mặt đỏ tía tai, mỗi lần đi có khi mất hàng nửa tiếng đồng hồ, chị Hoài sốt ruột, đinh ninh con bị táo bón, nên ngay lập tức mua các loại rau nhuận tràng, điều chỉnh chế độ ăn cho bé,

Nhưng bé ăn các loại rau đay, mùng tơi, khoai lang... rồi vẫn không cải thiện được tình trạng "rặn hết sức" để đi ngoài. Chị Hoài rất lo, chỉ sợ con bị "nát" hậu môn. Một tuần mẹ đổi món, bé khó ăn, khó hợp tác, bữa cơm vì mẹ "nhét" quá nhiều rau, bụng con không còn chỗ trống mà nạp thêm chất đạm, tinh bột nên bé gầy đi trông thấy.

Lo lắng, chị Hoài đưa con đi khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trực tiếp thăm khám cho con chị và cho biết, con chị đi ngoài 4 lần/tuần thì không thể gọi là táo bón, dù rằng bé có biểu hiện khó đi. "Chỉ những cháu đi ngoài dưới 2 lần/tuần, "sản phẩm đầu ra" rắn, chắc thì mới gọi là táo bón", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói. Điều này cũng loại trừ việc dù có những trẻ "đi" 2 lần/tuần nhưng sản phẩm nát, lỏng hay bé đi ngoài được nhưng rặn nhiều thì cũng không phải là táo bón.

Theo TS Dũng, táo bón ở trẻ em chia thành 2 loại, trong đó chỉ 5% là do bệnh lý (cơ thể có bệnh về não, u cục ở ruột, liệt ruột, phải chữa nguyên nhân chính mới hết táo bón), 95% là các trường hợp táo bón chức năng, thường do ăn uống, sinh hoạt, lối sống... "Khi trẻ còn nhỏ, có thể bị táo bón do mẹ pha sữa bò quá đặc, bữa ăn ít chất xơ, ít uống nước. Lớn hơn, khi trẻ đi mẫu giáo, thường trẻ dễ táo bón do sinh hoạt, vệ sinh", TS Dũng nói.

Nhiều gia đình chia sẻ, trẻ khi đi học rất sợ đi vệ sinh. Điều này có thể có nguyên nhân do khi mới đi học, trẻ bị stress, thay đổi nơi đi vệ sinh, nhiều bạn bè, cô giáo mới... Hơn nữa, khi đi học, trẻ không thoải mái tự do như ở nhà nên có tâm lý sợ đi vệ sinh. Một số khác là do cô giáo "rèn" để con không đi ở lớp, về nhà con lại mải chơi quên luôn cả việc đi vệ sinh hàng ngày.

Khi trẻ vào bậc Tiểu học hoặc lớn hơn, nguyên nhân chính khiến trẻ sợ đi vệ sinh là do nhà vệ sinh các trường không sạch như ở nhà, trẻ không muốn đi. Vì thế, khi ở lớp, trẻ "buồn" đi vệ sinh nhưng ngại bẩn nên không muốn đi, phải nhịn, điều này tạo cho trẻ phản xạ nhịn đi ngoài. Mỗi ngày trẻ nhịn một chút sẽ gây ra phản xạ đi ngoài ít đi. Đến khi về nhà, trẻ mải chơi quên mất cảm giác buồn đi vệ sinh. Những thói quen này tích dần khiến trẻ không đi vệ sinh ở nhà lẫn ở lớp.

Những biến chứng đáng sợ của táo bón ở trẻ

Thực tế lâm sàng cho thấy, độ tuổi trẻ dễ mắc táo bón thường là 3 - 7 tuổi. Cá biệt có trẻ đến 10 tuổi mới bị. Tỷ lệ bé gái hay bị hơn bé trai.

Vị chuyên gia nhi khoa này cũng lưu ý, chữa trị táo bón cho trẻ phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có thay đổi chế độ ăn nhiều nước, chất xơ, nhưng nếu chỉ có vậy vẫn không đủ vì nhiều trẻ dù đã ăn như thế, hàng ngày vẫn táo bón. Quan trọng hơn, cha mẹ phải rèn luyện, tạo phản xạ cho trẻ đi vệ sinh. Thông thường, khi trẻ có nhu cầu đi vệ sinh phải cho trẻ đi ngay, cố gắng luyện vào một giờ nhất định. Tùy theo điều kiện từng nhà sẽ luyện đi vào buổi sáng hay vào buổi tối. Thường vào buổi sáng trẻ sẽ dễ đi vệ sinh hơn. Nhưng nhiều gia đình do trẻ ngủ muộn, dậy muộn, lại cập rập thời gian chuẩn bị đi học nên không có điều kiện "luyện" cho con đi vệ sinh, mặc cho con "nhịn còn hơn". Lúc này hãy chuyển thời gian sang buổi tối. Điều quan trọng nhất là tuyệt đối tránh việc tạo áp lực cho trẻ. Trẻ cần được khuyến khích, động viên việc đi vệ sinh hàng ngày, đúng nơi, đúng giờ giấc.

Về việc sử dụng các loại thuốc táo bón, theo TS Dũng, thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ. Hiện nay, có nhiều thuốc làm mềm phân để dễ đi hơn. Các bác sĩ không không khuyến khích việc gia đình cho con rặn, thay vào đó, nên xoa vòng bụng để kích thích đại tràng cho trẻ. Nếu táo bón ở trẻ không được phát hiện kịp thời để điều trị, có thể gây ra nhiều biến chứng. Trong đó, theo TS Dũng, đáng sợ nhất là trẻ "ị đùn" do không kiểm soát được hành vi. "Trẻ cố nhịn nhưng không được thì lại "đùn" ra, việc này lại thường xảy ra ở lớp, trẻ sợ bị chê cười nên xấu hổ, tự ti, càng nặng nề tâm lý phải cố nhịn nhiều hơn", TS Dũng phân tích.

Ngoài ra, táo bón lâu dài cũng khiến trẻ chán ăn, khó chịu. Việc "sản phẩm" rắn, to, rặn lâu khiến trẻ bị rách hậu môn, chảy máu, đau, trẻ càng sợ và ám ảnh việc phải đi ngoài. Bên cạnh đó, táo bón cũng là nguyên nhân khiến không ít trẻ bị sa trực tràng, trĩ. "Một trong phương pháp chữa, phòng chống trĩ, rách hậu môn cho trẻ là sau khi con đi vệ sinh, cha mẹ không nên dùng giấy chùi cho con mà phải rửa bằng nước sạch. Trước hết là để chống viêm nhiễm, sau đó còn là để trẻ thấy dịu mát, không đau rát do tác động cọ xát của giấy vệ sinh", TS Dũng khuyến cáo.

Các chuyên gia nhi khoa cho biết, những trường hợp trẻ mới bị táo bón, chỉ cần mẹ chỉnh lại phản xạ cho con, kết hợp với chế độ ăn là đã có kết quả tốt. Nhưng với những ca nặng, việc chữa trị không phải chỉ 5-7 ngày là xong, có ca kéo dài từ 2-3 tháng, thậm chí có những trẻ từ 6 tháng đến 1 năm mới hết táo bón, việc chữa trị cũng khá khó khăn. Trên thực tế, có những phụ huynh thấy con đi vệ sinh được sau một đôi tuần tưởng đã "thoát nạn", nhưng sau đó lại tái phát.

Các bác sĩ cũng không khuyến khích việc thụt tháo cho trẻ, trừ trường hợp trẻ bị táo bón quá nặng, một tuần liền không đi được, khi đưa tới viện, các bác sĩ sẽ thực hiện cho trẻ. Nhiều cha mẹ dùng dụng cụ kích thích hậu môn để lấy phản xạ cho con dù không có tác hại gì, thậm chí dùng cả xi lanh, nhưng theo TS Dũng cũng có thể gây phản xạ không tốt cho trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sai lầm thường gặp nhất của cha mẹ khi có con bị táo bón là nhiều người coi thường tình trạng này nên trẻ bị táo bón lâu mà không chữa (vì không có ảnh hưởng gì), cho rằng chỉ cần ăn rau nhiều là xong. Đến khi con bị nặng, tới biến chứng mới đi khám, lúc ấy, cha mẹ lại nghĩ con mình có bệnh, đề nghị bác sĩ cho xét nghiệm, chụp chiếu đủ các kiểu, rất tốn tiền và mất thời gian (dù bác sĩ chỉ khám lâm sàng đã phát hiện ra bệnh).

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chuyen-gia-nhi-khoa-chi-ra-sai-lam-khi-chua-tao-bon-cho-tre-20171006192942796.htm