Chuyển giá – những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay

Sáng 19-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế 'Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay'.

Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương, hội nghề nghiệp, trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, và đông đảo doanh nghiệp.

Tiến sĩ Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Tiêu biểu như vụ việc ở Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ, hiện nay các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm Việt Nam). Theo đó trọng tâm là hạn chế các hành vi chuyển giá có tác động tiêu cực tới nguồn thu ngân sách, các công ty MNCs (bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tính tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư. Điều này đòi hỏi công sức và thời gian đầu tư lớn cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao. Mặt khác chương trình hành động BEPS cũng đem lại những lợi ích về lâu về dài. Cụ thể như làm tăng sự chuyên nghiệp và minh bạch của cơ quan thuế của các quốc gia khi xử lý giao dịch vì họ cũng phải tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhiều hơn…

Tin, ảnh: HOÀNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chuyen-gia-nhung-van-de-trong-cong-tac-quan-ly-hien-nay-544449