Chuyên gia nói gì về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020?

Tại Kỳ họp thứ 8, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường thì những chỉ tiêu tăng trưởng trong đặt ra trong năm 2020 cho thấy sự tự tin của Chính phủ.

Cụ thể theo Nghị quyết này, năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;…

Trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế. Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

TS. Trần Đình Thiên: Những chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm tới đảm bảo đồng thời cả tính thận trọng và khả thi

Về chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp hỗ trợ đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Và trong mục tiêu tổng quát của năm 2020, mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng đó là yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về các chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong năm 2020 nói trên, TS. Trần Đình Thiên - cho rằng, trong bối cảnh nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường thì với những chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2020 được đánh giá là khá cao cho thấy sự tự tin của Chính phủ. Việc đưa ra các chỉ tiêu như trên cũng phản ánh kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế trong những năm qua, nhất là năm 2019 rất khả quan, đặc biệt là công tác kiểm soát lạm phát.

TS. Thiên cũng nhìn nhận sự quyết tâm của Chính phủ bởi như chúng ta biết, tính bất thường của bối cảnh quốc tế trong thời gian tới sẽ rất gay gắt, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung – đây là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam - và hơn thế, độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng ngày càng rộng, trong khi nội tại nền kinh tế nước ta vẫn tồn tại những hạn chế, càng cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ.

Trên góc nhìn của những người làm chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, qua các dữ liệu và nhiều phân tích tổng thể, TS. Trần Đình Thiên cho rằng những chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm tới đảm bảo đồng thời cả tính thận trọng và khả thi, thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều khả năng chúng ta có thể đạt được kết quả cao hơn những chỉ tiêu mà Chính phủ đã trình Quốc hội vừa qua.

Nhìn nhận từ kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 khá chậm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua, song với việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân và nguồn lực từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, TS. Thiên nhấn mạnh, nếu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công thì khả năng tăng trưởng trong năm tới đạt cao là hoàn toàn có cơ sở.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-nam-2020-128288.html