Chuyên gia nói gì về vụ phóng tên lửa từ tàu hỏa của Triều Tiên?

Việc phóng tên lửa từ tàu hỏa có thể giúp tăng tính cơ động của vũ khí, vì Triều Tiên có mạng lưới đường sắt dày đặc trên khắp cả nước.

Triều Tiên hôm thứ Năm (16/9) cho biết nước này vừa phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu hỏa về phía biển Nhật Bản một ngày trước đó.

“Sau khi di chuyển đến khu vực miền núi vào rạng sáng 15/9, trung đoàn tên lửa đường sắt đã tham gia cuộc diễn tập với nhiệm vụ tấn công mục tiêu cách 800km”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, đồng thời khẳng định tên lửa bắn trúng mục tiêu.

Theo hình ảnh do KCNA công bố, hai tên lửa được phóng đi từ một đoàn tàu chứ không phải từ bệ phóng di động (TEL).

Các hình ảnh mới nhất về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

Các hình ảnh mới nhất về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Việc xây dựng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa cho thấy nỗ lực của Triều Tiên trong việc đa dạng hóa các hệ thống phóng tên lửa. Hiện Triều Tiên đã sở hữu tên lửa phóng từ bệ phóng cố định, từ bệ di động và từ tàu ngầm.

Theo Kim Dong-yub, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, các bức ảnh mà Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa phóng từ đường ray là vũ khí nhiên liệu rắn, tầm ngắn mà Triều Tiên đã thử nghiệm lần đầu tiên từ bệ phóng di động vào năm 2019.

Tên lửa này, dường như mô phỏng theo tên lửa Iskander của Nga, được thiết kế để bay ở độ cao tương đối thấp, nơi không khí dày đặc đủ để tên lửa phát huy tính cơ động. Việc này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đánh chặn hơn.

Cũng theo Giáo sư Kim, việc phóng tên lửa từ tàu hỏa có thể giúp tăng tính cơ động của vũ khí, vì Triều Tiên có mạng lưới đường sắt dày đặc trên khắp cả nước. Nhưng hệ thống đường sắt cũ kĩ của Triều Tiên cũng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu nếu xảy ra một cuộc tấn công. Do đó, hiện chưa rõ liệu tên lửa phóng từ đường sắt có thực sự cải thiện được khả năng quân sự của nước này hay không.

Ông Pak Jong-chon - thành viên đoàn chủ tịch Bộ Chính trị của đảng Lao động - khi giám sát vụ phóng thử mới nhất đã tuyên bố “việc triển khai hệ thống tên lửa đường sắt tác chiến theo đường lối, chính sách hiện đại hóa quân đội được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VIII có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tăng cường sức răn đe của Triều Tiên”.

Bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao và là em gái Chủ tịch Kim Jong-un cũng khẳng định Bình Nhưỡng nâng cao năng lực quân sự để tự vệ, chứ không muốn nhắm vào một quốc gia cụ thể nào.

Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng Triều Tiên phát triển hệ thống vũ khí chủ yếu để gây áp lực lên Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai nước đã bị đình trệ trong hơn hai năm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng Một tuyên bố sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của để đối phó với thái độ thù địch của Mỹ. Ông cũng đề cập đến một loạt vũ khí tinh vi khác, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa hơn, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vệ tinh do thám và vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Minh Hạnh

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-vu-phong-ten-lua-tu-tau-hoa-cua-trieu-tien-post1376725.tpo