Chuyên gia nói về cái yếu nhất của giáo dục hiện nay

Kết thúc đợt xét tuyển đại học năm 2017 đợt 1, dù  Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá là thành công, tuy nhiên thực tế còn những “điểm trừ” do xuất hiện những hiện tượng bất thường, thậm chí là “gây sốc” cho xã hội như thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học và “tổng 3 môn 10 điểm” cũng có thể vào trường sư phạm.

Câu chuyện đầu vào các trường sư phạm quá thấp đã trở thành tâm điểm “gây bão” dư luận và đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải làm việc với Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Câu hỏi được xã hội quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm; chương trình đổi mới giáo dục cần tập trung vào những nội dung gì? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương xung quanh vấn đề này.

GS.TS Phạm Tất Dong.

PV: Bộ GD&ĐT cho rằng đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 đã diễn ra tương đối êm ả, thành công. Theo ông, liệu thực tế có êm ả và thành công như Bộ nói?

GS.TS Phạm Tất Dong: Việc đánh giá, nhận định phụ thuộc góc nhìn của mỗi người. Nhưng trước kỳ thi, Bộ nói sẽ không có “mưa điểm 10”, sao Bộ lại sợ mưa điểm 10, nếu điểm 10 phản ánh đúng kết quả thực tế cũng là điều tốt chứ. Kết quả là số lượng điểm 10 cao gấp 60 lần so với năm trước, khác xa với những điều Bộ đưa ra dự đoán.

Bên cạnh đó, việc một số thí sinh điểm cao tuyệt đối vẫn bị trượt vào một số ngành hot cũng là điều “gây sốc” cho xã hội. Điều này cho thấy điểm tuyệt đối vẫn bị trượt do có nhiều em điểm cao hoặc không quá cao nhưng lại được cộng điểm ưu tiên. Chính sách ưu tiên là chủ trương đúng, song tôi cho rằng không nên cộng điểm ưu tiên mà sử dụng các chính sách ưu tiên khác.

Vì cộng điểm chỉ là một thủ thuật, kéo học sinh lên không đúng với trình độ thực tế của các cháu. Một điểm hơi trái ngược và có phần không bình thường nữa là “3 môn 10 điểm” cũng có thể trúng tuyển vào các trường cao đẳng sư phạm, trái ngược với chuyện 10 điểm 1 môn nhưng vẫn trượt.

Đây thực sự là nỗi lo có thể nhìn thấy trước về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Ngoài ra, sau mỗi kỳ thi và xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT đều khẳng định là tốt đẹp, thành công song năm sau lại tiếp tục thay đổi và cải tiến. Tôi thấy điều này rất lạ bởi mỗi khi đã tốt, đã thành công thì cải tiến, thay đổi nữa để làm gì?

PV: Ông nghĩ gì về chuyện “tổng 3 môn 10 điểm” cũng có thể vào sư phạm trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay?

GS.TS Phạm Tất Dong: Hầu hết các giáo viên lâu năm đều phản đối vì cho rằng việc này là không hợp lý và khó chấp nhận. Ngành Sư phạm là ngành đặc thù. Cũng như người thợ tồi không thể làm ra sản phẩm đẹp, người thầy cũng thế, nhiệm vụ của người thầy là đào tạo người hiểu biết thành người hiểu biết nhiều nên nếu đầu vào tốt, sẽ đỡ phải lo lắng.

Giáo viên có thể dạy chưa hay nhưng không được phép dạy sai. Nhưng nếu ông thầy kém thì nhất định sẽ có sai. Về lâu dài, với các thầy cô giáo có trình độ chuyên môn không vững, chúng ta sẽ tiếp tục có những lứa học sinh tiếp theo kém đi vì thầy không giỏi sẽ khó đào tạo ra trò giỏi.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, đầu vào quan trọng nhưng không quyết định?

GS.TS Phạm Tất Dong: Với ngành Sư phạm, đầu vào đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu sinh viên yếu thì phải bồi dưỡng lâu năm. Và mỗi khi trình độ đã kém thì sẽ kém cả những phần kiến thức được xem là sơ đẳng và cơ bản. Tôi nhớ năm xưa, khi là sinh viên ngành Toán, dù được liệt vào loại khá, nhưng hầu như dịp cuối tuần chúng tôi không có thời gian chơi vì bài tập quá nhiều.

Đáng nói là có một anh bạn cùng khóa học với chúng tôi ngày đó vô cùng khốn khổ vì “mất gốc” từ phổ thông, đến chép bài cũng sai vì không hiểu bản chất. Cuối cùng phải đề xuất cho anh ấy chuyển sang khoa Sử học lại từ năm thứ nhất.

Sau này, khi quay lại thăm khoa Toán, anh ấy đã nói rằng các thầy chuyển cho em qua khoa Sử đúng là em “đổi đời” vì dù sao học Sử em vẫn còn hiểu được, chứ cho em học Toán, việc tiếp thu kiến thức còn khó, nói gì đến việc ra trường đi dạy học sinh.

PV:  Cùng với quy định điểm sàn riêng cho các trường sư phạm, tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành Giáo dục phải cắt giảm chỉ tiêu, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để tăng cơ hội cho cử nhân ra trường có việc làm. Theo ông, những giải pháp trên đã thực sự “trúng” hay chưa?

GS.TS Phạm Tất Dong: Những giải pháp trên đều là cần thiết. Trong đó, việc quy định điểm sàn riêng sẽ giúp các trường chọn được các em có trình độ nhất định vì ngành Sư phạm không thể lấy đầu vào thấp quá. Cắt giảm chỉ tiêu đào tạo, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm cũng là việc cần làm ngay vì hiện nay chúng ta đang đào tạo quá nhiều, cung đã vượt cầu.

Nhiều giáo sinh đào tạo xong không được sử dụng, gây lãng phí và bức xúc trong xã hội. Song việc quy hoạch lại không chỉ đơn giản là giảm số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng.

Do vậy, các trường sư phạm cần phải làm một cuộc cải tổ chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với công nghệ, hiện đại hóa. Bởi lẽ đào tạo giáo viên cũng phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu các trường sư phạm lạc hậu về công nghệ sẽ thất bại. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là nâng điểm sàn, cắt giảm chỉ tiêu đào tạo, quy hoạch lại mạng lưới các trường nhưng học sinh vẫn không vào sư phạm thì sao?

PV: Vậy, giải pháp quan trọng để có thể thu hút người giỏi vào sư phạm trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?

GS.TS Phạm Tất Dong: Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là giải quyết bài toán đầu ra. Đây cũng là lý do mà học sinh hiện nay đều đổ xô vào các trường Công an, Quân đội. Thêm nữa, hiện nay lương giáo viên so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác trong xã hội vẫn còn thấp, đa phần giáo viên không sống được bằng nghề nên tăng lương cho giáo viên phải là điều cần được tính tới.

Ngoài ra, cũng phải cải thiện môi trường làm việc của giáo viên để nhà giáo có thể phát huy được hết khả năng và giảm tải được những áp lực không cần thiết và không đáng có. Nếu sinh viên học xong ra trường có việc làm, có thu nhập tốt, có chế độ đãi ngộ tốt, có môi trường làm việc tốt... thì chắc chắn ngành Sư phạm sẽ thu hút được người giỏi.

PV: Có ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm, ngành Giáo dục cần học tập Công an, Quân đội. Theo ông, với cơ chế quản lý hiện nay, ngành Giáo dục liệu có thể làm được như lực lượng Công an, Quân đội?

GS.TS Phạm Tất Dong: Trong thời gian qua, ở không ít địa phương xảy ra câu chuyện hàng loạt giáo viên bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng, dù ngành Giáo dục ở địa phương có biết, nhưng đành “bất lực” nhìn giáo viên bị đẩy ra đường. Để xảy ra thực trạng đáng buồn trên là vì hiện nay đang tồn tại một thực tế mà theo tôi là bất cập.

Vấn đề nhân sự, tuyển dụng giáo viên do ngành Nội vụ và chính quyền địa phương nắm, trong khi ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm về chất lượng. Hệ quả là có một số địa phương xảy ra tình trạng, trong khi giáo viên biên chế vẫn còn thừa, nhiều môn học giáo viên dôi dư còn lớn, nhưng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện vẫn tiếp tục ký hợp đồng tuyển dụng. Rồi có địa phương, qua mỗi đời lãnh đạo, giáo viên lại chông chênh, lo lắng vì có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Sở dĩ các trường Công an, Quân đội hấp dẫn thí sinh như vậy vì có chính sách bao cấp cho người học, trúng đại học cũng đồng nghĩa với việc vào biên chế của ngành. Giáo dục chưa làm được điều đó vì cơ chế quản lý hiện nay chưa cho phép ngành Giáo dục làm được như vậy.

PV: Mấy mùa tuyển sinh gần đây, rất nhiều trường đại học, cao đẳng không tuyển đủ chỉ tiêu vì cạn nguồn tuyển. Theo ông, ngoài việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, ngành Giáo dục có nên quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc ?

GS.TS Phạm Tất Dong: Hiện nay cả nước có gần 400 trường, so với các nước là không nhiều, song dường như nhu cầu của xã hội hiện không cần nhiều đến thế. Rồi nguồn nhân lực thiếu thợ có tay nghề nhưng nhiều trường nghề vẫn phải đóng cửa. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là chính sách không đúng khiến học sinh hầu như đều muốn chạy vào đại học, không theo học nghề.

Chính sách phân luồng đúng và hợp lý là học xong lớp 9, 1/3 học sinh vào phổ thông, 1/3 học nghề và 1/3 vào trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hai Bộ quản lý là Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện chưa có sự liên thông, thống nhất nên phân luồng vẫn “tắc”.

Học sinh cứ học xong lớp 9 là lên lớp 10, học xong lớp 12 lại vào đại học. Hệ quả là trường nghề đóng cửa, nhiều cử nhân đại học thất nghiệp lại quay lại học nghề, tạo thành một vòng luẩn quẩn gây lãng phí cho xã hội và làm mất cân bằng trong cơ cấu lao động.

PV: Việc phân luồng đã được giải quyết trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT vừa công bố chưa, thưa ông?

GS.TS Phạm Tất Dong: Chương trình giáo dục phổ thông mới tuy có đề cập đến việc hướng nghiệp ngay từ lớp 10 song phân luồng thì vẫn chưa rõ, chưa cụ thể. Nếu Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn tiếp tục “cát cứ”, không hợp tác chặt chẽ với nhau, hỗ trợ thực sự cho nhau thì việc phân luồng sau trung học cơ sở sẽ vẫn tiếp tục “tắc”.

PV: Là người nhiều năm gắn bó và tâm huyết với giáo dục, điều gì khiến ông trăn trở nhất trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay?

GS.TS Phạm Tất Dong: Nền giáo dục của chúng ta đã tiến hành nhiều đợt cải cách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những cải cách gần đây chưa được như kỳ vọng. Cá nhân tôi cảm thấy rằng, cái yếu nhất trong sự vận hành của giáo dục những năm gần đây là chưa xác định rõ được mục tiêu đào tạo, chưa xây dựng được “chuẩn đầu ra” riêng cho từng bậc học và thiếu những cơ sở khoa học cho việc đổi mới giáo dục.

Điều này đã khiến cho sản phẩm giáo dục mà chúng ta tạo ra thua kém với các nước trong khu vực và thế giới mặc dù tố chất của học sinh Việt Nam, của người Việt Nam không hề thua kém.

Muốn khắc phục những khiếm khuyết của giáo dục hiện nay, Bộ GD&ĐT cần có cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục đủ năng lực giúp lãnh đạo Bộ triển khai tốt Chương trình Đổi mới căn bản và toàn diện của Nhà nước.

Nếu sửa những chỗ yếu kém của giáo dục bằng sự đắp vào đó những kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc thì giáo dục không những chẳng đổi mới mà còn là một nền giáo dục mất tính khoa học và tính dân tộc.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/cai-yeu-nhat-cua-giao-duc-la-chua-xay-dung-duoc-chuan-dau-ra-rieng-cho-tung-bac-hoc-454650/