Chuyên gia nói về làn gió thay đổi từ cuộc đảo chính ở Niger

Pháp và các cường quốc thuộc địa cũ khác phải chấp nhận sự thay đổi quyền lực trên lục địa, một cựu quan chức Niger cho hay.

Mohamed Toumba, một trong những nhân vật hàng đầu của chính quyền quân sự lãnh đạo Niger, tham dự một cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey.

Hôm 10/8, cựu quan chức đối ngoại của Niger là ông Iliyasu Gadu nói với RT rằng tình hình chính trị ở Niger nên dạy cho Pháp và các nước phương Tây khác, bao gồm cả Mỹ và Anh, rằng không thể coi châu Phi hiển nhiên là dành cho họ.

Theo ông Gadu, một làn gió thay đổi dẫn đến quyền bá chủ của phương Tây bị suy giảm đang “thổi qua các nước châu Phi nói tiếng Pháp và Tây Phi”. Điều này phải được Paris cũng như các cựu thuộc địa khác chấp nhận.

Tháng trước, lực lượng bảo vệ tổng thống của Niger đã bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum và lên nắm quyền, khiến hàng nghìn người ủng hộ động thái này biểu tình chống Pháp.

Hôm mùng 9/8, chính phủ quân sự mới đã cáo buộc Pháp vi phạm không phận của họ và thả những kẻ khủng bố nguy hiểm.

Các lãnh đạo cuộc đảo chính trước đó cáo buộc chính quyền thuộc địa cũ âm mưu tấn công để giải phóng ông Bazoum.

Paris bác bỏ các cáo buộc trên và tuyên bố họ đã điều một chiếc máy bay vào thủ đô Niamey theo một thỏa thuận với quân đội Niger.

Cuộc đảo chính ở Niger vào ngày 26/7 đã gây ra sự cắt giảm viện trợ từ các nước đối tác, bao gồm Pháp, Đức và Mỹ.

Mặc dù bị khối khu vực Tây Phi ECOWAS trừng phạt, lãnh đạo mới của Niger đã bỏ qua áp lực của cả khu vực và quốc tế trong việc yêu cầu giải phóng ông Bazoum và khôi phục trật tự dân chủ.

Trong một cuộc phỏng vấn với RT, Gadu cho biết ông tin rằng ECOWAS đang hành động theo lệnh của Pháp bằng cách đe dọa can thiệp quân sự vào Niger.

Ông lập luận rằng mặc dù Pháp có quyền khai thác dầu mỏ và khoáng sản ở các thuộc địa cũ của mình để mang lại lợi ích cho nước này với cái giá phải trả là người dân địa phương, nhưng nước này “không thể can thiệp hoặc ép buộc thay đổi”.

“Vì vậy, tại thời điểm này, họ muốn ECOWAS làm điều đó” - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng “vũ lực và sự can thiệp sẽ không giúp ích gì” để giải quyết tình trạng bất ổn ở Niger.

Cựu quan chức đối ngoại của Niger cho biết ông coi việc các quốc gia láng giềng sẵn sàng tham gia vào Niger “không vì lợi ích” của ECOWAS, mà vì lợi ích của Paris.

Theo RT

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-noi-ve-lan-gio-thay-doi-tu-cuoc-dao-chinh-o-niger-post650186.html