Chuyên gia phân tích 'chiến thắng' của Putin và mất mát của Thổ Nhĩ Kỳ khi mua S-400

Chuyên gia Đức cho rằng, mâu thuẫn xung quanh thương vụ mua S-400 của Nga có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO, đây được coi là một chiến thắng tuyệt vời cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhận định trên do giáo sư khoa học chính trị người Đức Thomas Eger đưa ra trong một bài viết cho Tạp chí Focus Online.

Chuyên gia Đức phân tích “chiến thắng” của Putin và mất mát của Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ mua S-400

Chuyên gia Đức phân tích “chiến thắng” của Putin và mất mát của Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ mua S-400

Ông Thomas Eger cho rằng thương vụ mua S-400 giữa Ankara và Moscow sẽ làm xấu đi đáng kể mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, khiến Washington buộc phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua thiết bị quân sự của Nga.

Mặc dù theo chuyên gia Thomas Eger, Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng cố gắng trì hoãn trừng phạt nhưng về mặt pháp lý, ông sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn việc áp trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Eger nói thêm rằng nếu "Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rời khỏi NATO, đây sẽ là một tổn thất lớn về mặt địa chính trị chiến lược cho liên minh".

Theo ông, phương án này không thể loại trừ, và kết quả của cuộc xung đột này sẽ phụ thuộc vào người mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhìn thấy sự bảo đảm cho tương lai chính trị của ông.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Eger, việc xuất hiện cuộc xung đột giữa Ankara và Washington đã là "một chiến thắng tuyệt vời cho Tổng thống Vladimir Putin". Ông lưu ý rằng thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn ở trong NATO, trong số các thành viên khác của liên minh quân sự này sẽ có sự ngờ vực lẫn nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô S-400 đầu tiên hôm 12/7

Ông cũng nhận định, nhờ thương vụ mua S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ, danh tiếng của Nga trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh chóng, quân đội Nga sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu bí mật, đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho các hoạt động đặc biệt của nước này. Đồng thời, nhà phân tích chính trị Đức gọi việc tăng cường mối quan hệ giữa Moscow và Ankara là "tin nóng quốc tế".

Tuy nhiên, chuyên gia Đức cho rằng việc làm suy yếu mối quan hệ với Hoa Kỳ và cải thiện mối quan hệ với Nga sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về chính trị và kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ, và cái giá có thể cao đến mức Tổng thống Erdogan sẽ cần Moscow giúp đỡ để duy trì quyền lực.

Đồng thời, chuyên gia Eger lưu ý, trong toàn bộ tình huống này, châu Âu có vẻ như là bên bất lực nhất, mặc dù cuộc xung đột ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của họ, tuy nhiên, các nước châu Âu không thể ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô S-400 thứ 2 hôm 13/7

Hôm thứ Sáu (12/7), Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố lô S-400 đầu tiên đã đến nước này. Một ngày sau, Bộ Quốc phòng cho biết, chiếc máy bay thứ tư của Nga với các thiết bị mới cho hệ thống phòng không S-400 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted.

Hợp đồng cung cấp bốn hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được ký kết vào năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự trả một phần của thỏa thuận, một phần còn lại bằng chi phí vay tín dụng của Nga.

Việc mua các hệ thống phòng không S-400 từ Moscow đã gây ra mâu thuẫn giữa Ankara và Washington, Hoa Kỳ yêu cầu thỏa thuận này phải bị hủy bỏ và các tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ sẽ thay thế.

Ngược lại, Washington không loại trừ khả năng trì hoãn hoặc hủy bỏ việc bán máy bay chiến đấu F-35 mới nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Ankara đã từ chối nhượng bộ.

Trí Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chuyen-gia-phan-tich-chien-thang-cua-putin-va-mat-mat-cua-tho-nhi-ky-khi-mua-s400-post305949.info