Chuyên gia phân tích về trò chơi nhạy cảm của học sinh THPT Thực hành

Sau sự việc học sinh nam nữ chơi trò chơi nhạy cảm, T.S Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các trò chơi trong nhà trường cần có chọn lọc và được giám sát kỹ, đừng 'vẽ đường cho hươu chạy'.

Mấy đây, đoạn clip ghi lại hình ảnh học sinh của trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) đang tham gia một trò chơi, trong đó có nhiều cặp nam nữ nằm chồng lên nhau và lăn lộn trên mặt đất. Các em học sinh không chỉ ôm nhau mà còn dùng miệng truyền cho nhau một chiếc thẻ mỏng giữa tiếng reo hò, cổ vũ của các em học sinh khác.

Đoạn clip nhanh chóng được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Không ít ý kiến cho rằng đây là trò chơi phản cảm, không phù hợp với các em học sinh, sinh viên.

Ngay sau đó, thầy Hiệu trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) cho biết, trò chơi này có tên là "Chuyền thẻ bằng mặt”. Theo quy định thì mỗi cặp chuyền thẻ phải là nam – nam hoặc nữ - nữ. Tuy nhiên, việc xuất hiện hình ảnh nam nữ chồng lên nhau như trong clip là do số lượng học sinh tham gia quá đông, trong khi đó số cán bộ đoàn điều hành trò chơi lại quá ít nên không thể quản lý theo đúng như quy định của trò chơi lúc ban đầu.

Trò chơi nhạy cảm, gây bức xúc tại trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ).

Trước lời giải thích của thầy Hiệu trưởng và những bức xúc trên mạng xã hội, PV đã có cuộc trao đổi với T.S Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội).

T.S Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Tôi cũng theo dõi nên biết được clip ghi lại hình ảnh của các em học sinh này. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận sự việc này ở nhiều khía cạnh. Trước hết, chúng ta phải hiểu việc tổ chức các hoạt động trong trường học là để các em học sinh tìm hiểu, làm quen, chia sẻ với nhau. Đây là điều cần thiết mà mỗi trường cần phát huy.

Thế nhưng, khi trường lựa chọn trò chơi phải tôn trọng các nguyên tắc nhất định, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hơn nữa, trò chơi khi tổ chức trong đám đông phải có ý nghĩa giáo dục, chứ không thể để các em chơi một cách thỏa mái được. Trò chơi trong nhà trường cần để học sinh vận động, có sự thay đổi tích cực, để mỗi học sinh được tìm hiểu bạn mình, được giao lưu sau đó giúp đỡ nhau trong học tập”.

Cũng theo T.S Nguyễn Tùng Lâm, các trò chơi phải tôn trọng thêm quy tắc lịch sự, có ý nghĩa và chống được phản cảm. Nhất là tuổi thanh thiếu niên rất dễ nhạy cảm, có sự tò mò, tạo ra những nảy sinh không đáng có.

“Tôi được biết, clip về trò chơi của học sinh được lan truyền trên mạng là con trai chơi riêng, con gái riêng, thế nhưng vì học sinh quá đông nên người quản lý không thể kiểm soát mới xảy ra tình trạng như vậy. Vì thế, những nguời tổ chức này phải chịu trách nhiệm khi không thể kiểm soát được học sinh của mình.

Việc để mất kiểm soát chẳng khác nào để những người muốn lợi dụng có cớ tiếp xúc thân mật, như vậy khác gì “vẽ đường cho hươu chạy". Mà trong nguyên tắc giáo dục thì không thể để việc lợi dụng các hoạt động nhằm thỏa mãn cảm xúc riêng tư, tế nhị. Từ những chuyện này sẽ xảy ra các vấn đề khác.

Theo tôi, đây là bài học cho các nhà trường, đoàn thanh niên trong việc tổ chức hoạt động chung và phải ghi nhớ cần tôn trọng các nguyên tắc mà chúng ta mới đề cập đến”, T.S Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-phan-tich-ve-tro-choi-nhay-cam-cua-hs-thpt-thuc-hanh-a387080.html