Chuyên gia pháp lý nói gì về sự việc học sinh Trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên ô tô?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra trên cơ sở làm rõ nguyên nhân chết của cháu để để có căn cứ xử lý theo quy định.

Dư luận bất bình trước sự việc học sinh Trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên ô tô

Liên quan đến vụ học sinh Trường quốc tế Gateway tử vong nghi do bị bỏ quên trên ô tô, đã có nhiều ý kiến lên án hành vi bất cẩn của phía nhà trường cũng như lái xe đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.

Nhìn nhận, đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho rằng đây là một việc đau lòng và cần lên án hành động cẩu thả của người đã đưa đón các cháu.

"Theo thông tin ban đầu anh S. (cha cháu bé) cho biết với báo chí thì, 7h sáng 6/8, vợ chồng anh đưa con trai là L.H.L (6 tuổi) đến điểm đón ở phố Yên Hòa để tới Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) học tập. Đây là buổi thứ hai bé L học tại ngôi trường này. Sau khi giáo viên của Trường Gateway đón bé L lên xe, vợ chồng anh S. yên tâm đi làm như mọi ngày. Như vậy, có thể thấy trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo, người đã trực tiếp đón nhận cháu bé", Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, học sinh đã được đưa đến Bệnh viện E.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, học sinh đã được đưa đến Bệnh viện E.

Luật sư Diệp Năng Bình nhận định, với trách nhiệm của mình cô giáo đón cháu buộc phải nhớ và bàn giao cháu bé cho cô giáo chủ nhiệm và kiểm tra phát hiện trên xe có cháu nào chưa xuống hay không, còn nếu là cô giáo chủ nhiệm thì càng lên án bởi cả một ngày trời cô giáo đã làm gì khi không điểm danh và liên hệ với phụ huynh...

"Tôi từng đi công tác bằng xe khách nhưng khi đến các điểm để dừng chân thì các hành khách còn kiểm tra nhau và thông báo cho phụ xe hoặc tài xế khi thấy người ngồi cạnh mình chưa lên thì không lý gì cô giáo khi xuống xe lại không kiểm tra và đưa các cháu xuống xe một cách an toàn. Như vậy, cho dù với lý do gì thì hành động bỏ quên, không kiểm tra của cô giáo phải chịu trách nhiệm hình sự là đúng", luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Trong trường hợp này, luật sư Diệp Năng Bình nhận định, cô giáo đưa đón phải chịu trách nhiệm với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra. Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Thời điểm phát hiện học sinh lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên trên ô tô.

"Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý. Trong trường hợp này mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người quá rõ ràng. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ý thức của cô giáo là lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

Liên quan sự việc trên Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra trên cơ sở làm rõ nguyên nhân chết của cháu để để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Thơm, nhiều khả năng cháu bé bị tử vong do ngạt đường hô hấp khi nằm ngủ trên ôtô trong tình trạng tắt máy, đóng kín cửa.

Trường quốc tế Gateway nơi xảy ra vụ học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô

"Về nguyên tắc khi giáo viên đến đón các cháu học sinh với số lượng cố định theo danh sách thì khi đưa đến trường, xuống xe phải bàn giao đủ số đã đón, trừ những trường hợp lý do nghỉ học sẽ phải được phụ huynh thông báo", luật sư Thơm dẫn chứng và cho rằng việc cháu bé tử vong do sự thiếu trách nhiệm kiểm tra số học sinh đã đón hoặc do cẩu thả không kiểm tra đã bỏ quên bé trai trên xe.

Tùy theo kết quả điều tra, thu thập các chứng cứ thì hành vi của người giáo viên phụ trách đưa đón các cháu bằng ôtô sẽ có dấu hiệu phạm tội Vô ý làm chết người hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 128 hoặc khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng nếu có đủ căn cứ xác định người giáo viên phạm tội Vô ý làm chết người thì thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả.

Trường hợp xét thấy hành vi của người giáo viên phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng thuộc lỗi vô ý cẩu thả do không thực hiện nhiệm vụ được giao là phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm các cháu học sinh khi nhận từ phụ huynh đến khi bàn giao đủ số học sinh vào lớp.

Video: Học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway tử vong nghi bị bỏ quên trên xe ôtô

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-gia-phap-ly-noi-gi-ve-su-viec-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-do-bi-bo-quen-tren-o-to-d146578.html