Chuyên gia quân sự đặt nghi vấn xung quanh vụ máy bay Su-30SM rơi ở Syria

Nguyên nhân bước đầu của vụ tai nạn máy bay Su-30SM được cho là do chim bị hút vào động cơ, song bên cạnh đó vẫn có nhiều vấn đề mà Ủy ban điều tra đặc biệt của Nga vẫn cần phải làm rõ.

Tiêm kích Su-30SM

Hôm 3/5, trả lời phỏng vấn trên RIA Novosti, cựu Phó Chỉ huy Không lực Nga, tướng Nikolai Antoshkin đặt ra nghi vấn, nếu động cơ của máy bay "đứng lại" sau cú va chạm với chim, thì các phi công đáng lẽ phải nhảy dù ra ngoài - tại sao các phi công của máy bay chiến đấu Su-30SM bị rơi ở Syria lại không làm điều đó, đây là vấn đề Ủy ban đặc biệt cần phải tìm hiểu.

"Những trường hợp như vậy rất hiếm khi xảy ra, thường là các phi công sẽ nhìn thấy đàn chim", ông nói.

Ông cho biết, để tránh việc các vật thể lạ rơi vào động cơ máy bay, ở giai đoạn lăn bánh trên các động cơ có trang bị những tấm lưới đặc biệt nhằm ngăn chặn những viên đá xâm nhập vào. Và khi cất cánh, để máy bay phun được luồng khí cực mạnh, thì những tấm lưới này được thu lại.

Vụ tai nạn Su-30SM xảy ra vào sáng ngày 3/5 trên Biển Địa Trung Hải, chiếc máy bay chiến đấu lấy độ cao sau khi cất cánh từ sân bay Hmeymim. Bộ Quốc phòng Nga cho hay, cả hai phi công đều thiệt mạng.

"Chẳng có gì được đảm bảo chắc chắn"

Thiếu tướng Vladimir Bogatyrev, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội các sĩ quan dự bị của lực lượng vũ trang (MEGAPIR), nhấn mạnh: không thể hoàn toàn bảo đảm đối phó được trong những trường hợp như vậy.

"Thật đáng tiếc, nhưng những sự cố bi thảm với máy bay mà nguyên nhân là từ những con chim xâm nhập vào động cơ vẫn xảy ra. Sự cố ở Syria là một bi kịch lớn đối với các phi công và gia đình họ", chuyên gia phát biểu trên đài phát thanh Sputnik.

Ông cũng nhắc lại rằng thời gian gần đây đã có một trường hợp tương tự xảy ra, khi đó một con chim rơi trúng động cơ, nhưng học viên của Học viện hàng không Krasnodar vẫn cố gắng hạ cánh máy bay được.

"Tốc độ lúc đó không lớn lắm, thêm vào đó là chiếc máy bay diễn tập, nên học viên đã phản ứng được. Còn khi cất cánh một chiếc máy bay phản lực chiến đấu là một chuyện hoàn toàn khác, việc cứu máy bay thực tế rất khó khăn" –ông Bogatyrev kết luận.

Nguyên Chỉ huy Tập đoàn Không quân và Phòng thủ tên lửa số 4 của Nga, Trung tướng Valery Gorbenko nhận định rằng các phi công trên chiếc Su-30SM xấu số hoàn toàn có thể bật dù bởi khu vực chiếc tiêm kích này rơi phía trên biển và không nằm trong khu vực do lực lượng khủng bố tại Syria kiểm soát.

“Quyết định này được đưa ra bởi chỉ huy của phi hành đoàn. Luôn có chỉ huy chỉ đạo các chuyến bay, thế nhưng lệnh bật dù không do người này đưa ra bởi người chỉ huy không thể biết chính xác điều gì đang xảy ra trên chiến cơ và phi hành đoàn hiểu rõ tình hình hơn để đưa ra nhận định và có quyết định nào đó”, tướng Gorbenko nhận định.

Tướng Gorbenko giải thích rằng các phi công trên chiếc Su-30SM xấu số có thể tìm cách tắt động cơ và khởi động lại, nhưng rất khó để xác định xem họ có ở độ cao đủ lớn để thực hiện thao tác này an toàn hay không.

Máy bay Su-30SM của Nga rơi ở Syria

Đôi điều về máy bay tiêm kích Su-30SM

Máy bay chiến đấu đa năng 2 người lái siêu động cơ Su-30SM là phiên bản nâng cấp cuối cùng của dòng máy bay tiêm kích đa năng Su-30.

Chiếc máy bay này được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển. Chiến đấu cơ này có thể bay dài và có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Thiết kế của Su-30SM không được trang bị công nghệ tàng hình, tuy nhiên với sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến điện tử nó có thể chế áp nhanh chóng các tần số ra-đa lạ của đối phương.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-gia-quan-su-dat-nghi-van-xung-quanh-vu-may-bay-su30sm-roi-o-syria-post261266.info