Chuyên gia: Thị trường chứng khoán cần 'mồi lửa' để thu hút dòng tiền mới

'Tại sao nhà đầu tư phải bỏ tiền vào thị trường chứng khoán khi 'đường đi còn đầy mù sương' trong khi định giá lại không đủ rẻ?'.

Chuyên gia: Thị trường chứng khoán cần 'mồi lửa' để thu hút dòng tiền mới

Chuyên gia: Thị trường chứng khoán cần 'mồi lửa' để thu hút dòng tiền mới

Không phải cứ lãi suất giảm là chứng khoán tăng

Chia sẻ tại tọa đàm "Triển vọng và cơ hội chứng khoán đến cuối năm 2020" do FiinGroup tổ chức, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định việc mặt bằng lãi suất giảm trong thời gian vừa qua là hợp lý, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và nhu cầu tín dụng tăng thấp.

Ông Tú Anh cho rằng trong thời gian tới, lãi suất sẽ khó tăng, tuy nhiên liệu có giảm hay không thì còn phải cân nhắc đến việc duy trì sự ổn định của tỷ giá. Nếu lãi suất giảm quá thấp thì có thể sẽ làm tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc đầu tư PVIAM cho rằng mặt bằng lãi suất huy động hiện tại (khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn 12-13 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa) đang cao hơn so với kỳ vọng lạm phát khoảng dưới 4%, vì vậy việc giảm thêm lãi suất là khả thi.

"Chúng ta gần như chắc chắn rằng với bối cảnh hiện tại, cả ở góc độ chi phí đẩy và cầu kéo thì lạm phát không thể vượt quá 4% và xu hướng sẽ là giảm dần đều. Khi chúng ta kiểm soát được giá thịt lợn thì lạm phát của Việt Nam sẽ thấp", ông Linh nêu quan điểm.

Liên quan đến tỷ giá, chuyên gia này dự báo cán cân thương mại năm nay sẽ thặng dư, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua thêm được USD cho dự trữ ngoại hối, qua đó tỷ giá sẽ được giữ ở mức tương đối ổn định. Vì vậy, dù có giảm mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài xuống 6% hay thấp hơn thì vẫn đủ hấp dẫn để giữ VND thay vì giữ USD với lãi suất 0%.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư, ông Đào Phúc Tường lưu ý rằng bên cạnh tác động tích cực của việc giảm lãi suất đối với người đi vay thì một đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực là những người gửi tiết kiệm.

Ông Tường nhấn mạnh rằng rất nhiều người không biết gì về chứng khoán, về vàng..., chỉ gửi tiết kiệm để lấy lãi. Đối với họ, khi lãi suất giảm, lượng tiền lãi thu về giảm thì sức mua của họ cũng bị sụt giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh.

Đối với chứng khoán, ông Đào Phúc Tường cho hay giới đầu tư đã nhìn nhận rằng chứng khoán là kênh đầu tư thay thế, khi lãi suất quá thấp thì người dân có xu hướng bỏ tiền sang kênh đầu tư này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng cần phải đặt câu hỏi "tại sao lãi suất thấp?". Lãi suất thấp cho thấy doanh nghiệp đang khó khăn, chứng tỏ rủi ro đối với chứng khoán đang tăng lên. Vì vậy, bên cạnh yếu tố tích cực từ việc dịch chuyển dòng tiền, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến phần bù rủi ro. Trong bối cảnh hiện tại, phần bù rủi ro đang tăng lên.

"Chúng ta không nên kỳ vọng rằng lãi suất giảm sẽ tốt cho chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi, lãi suất giảm lại là rủi ro cho chứng khoán, chứ không phải là tốt cho chứng khoán nữa", ông Đào Phúc Tường nêu góc nhìn.

Thị trường chứng khoán cần "mồi lửa" để thu hút dòng tiền mới

Bình luận về yếu tố dòng tiền tác động đến thị trường chứng khoán thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng rất khó để có dòng tiền mới chảy vào thị trường ở thời điểm hiện tại, bởi "giá đã lên rồi thì cũng không kích thích người mới vào nữa".

Ông Linh nhấn mạnh thêm, ngay cả có giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại thì cũng không thể kích thích người dân rời xa khỏi kênh tích lũy hiện có, vì những người quan tâm đến chứng khoán thì đã đầu tư ở giai đoạn tháng 3 - 5 khi thị trường xuống đáy và đảo chiều đi lên, còn hiện tại mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán đang ở mức cao, vì vậy rất khó thu hút dòng tiền mới.

"Tôi nghĩ ở giai đoạn này, khi nước ngoài bán và thị trường đang rất biến động, mọi người đều lo ngại rủi ro, thị trường có lẽ cần phải có một mồi lửa thì mới tạo nên một đám lửa. Tôi nghĩ những người dám dũng cảm mua vào ở những đợt mà thị trường không biết triển vọng dịch bệnh ra sao, thì nhiều khả năng những người này đã nắm được rất nhiều thông tin", vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Đào Phúc Tường cho biết để thu hút dòng tiền mới, thị trường chứng khoán đúng là phải có "mồi lửa", có thể từ chính sách hoặc từ triển vọng cực sáng của doanh nghiệp trong vòng 12 - 18 tháng tới.

Ông Tường cũng nhấn mạnh, thị trường phải đủ rẻ thì các nhà đầu tư mới rót tiền.

"Thị trường chúng ta hiện tại đang nằm trong giai đoạn thiếu leadership (người dẫn đầu - PV), lúc nào chúng ta nhìn thấy leadership thì lúc đó chúng ta mới tự tin rằng dòng tiền sẽ vào vì chắc chắn tiền còn rất nhiều, đặc biệt khi nhìn vào hạn mức cho vay ở các công ty chứng khoán, nhìn vào tiền gửi tiết kiệm.

Nhưng tại sao họ phải bỏ tiền vào khi “đường đi còn đầy mù sương” trong khi định giá lại không đủ rẻ để rót tiền?", chuyên gia này đưa ra ẩn ý.

Ông Tường cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng, những người nhiều tiền trên thị trường chứng khoán sẽ quan tâm đến 2 yếu tố cơ bản: doanh nghiệp đi xa được đến đâu và khi nào ra được hàng.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-gia-thi-truong-chung-khoan-can-moi-lua-de-thu-hut-dong-tien-moi-20180504224242332.htm