Chuyên gia tội phạm học nói gì về thảm án Bình Tân?

Theo chuyên gia Tội phạm học, vụ án 5 người trong một gia đình bị sát hại ở Bình Tân (TP.HCM) vừa qua, có nhiều điểm tương đồng với nhiều vụ án người làm thuê giết chủ đã xảy ra trước đây.

Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu.

Theo Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu – (Chuyên gia nghiên cứu Tội phạm học của Bộ Công an), vụ án cả gia đình ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) bị sát hại vào ngày 15/2, có nhiều điểm tương đồng với nhiều vụ án người làm thuê giết chủ đã xảy ra trước đây.

“Những vụ án người làm thuê giết chủ không phải hiếm. Điều đáng nói là những vụ án dạng này thường có hậu quả thảm thương, làm chết nhiều người trong cùng một gia đình", trung tá Đào Trung Hiếu nói, "có thể nhắc đến vụ Lê Ngọc Chung giết chết 3 người, làm trọng thương 2 người trong gia đình bà Đặng Thị Nữ ở 888 Minh Khai, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vào ngày 2/5/2007. Khi gây án, Chung là người làm thuê tại cửa hàng rửa xe máy của gia đình bà Nữ. Hoặc vụ 2 đối tượng Trần Văn Luân và Đào Văn Nam giết vợ chồng chủ nhà nghỉ Phú Mỹ I, ở xóm Lại, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 10/10/2007 để cướp tài sản. Cả hai đối tượng đều là nhân viên buồng phòng vừa được chủ nhà nghỉ nhận vào làm việc. Khi đó, chúng tôi là lực lượng trực tiếp triển khai điều tra truy xét thủ phạm các vụ án này”.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, các vụ án người làm thuê giết chủ có những đặc điểm, và "việc nhận diện những đặc điểm này rất có ý nghĩa trong hoạt động phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa từ khía cạnh nạn nhân".

Trung tá Hiếu phân tích: “Trước hết, có thể thấy ở các vụ án này, kẻ thực hiện hành vi phạm tội đều chưa thành niên, hoặc mới thành niên (đủ 18 tuổi) với nguyên nhân do mâu thuẫn, thù tức giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình làm việc, sinh hoạt với nhau. Điều này phản ánh khả năng nhận thức pháp luật và kiểm soát hành vi, kiềm chế của đối tượng trẻ tuổi rất kém. Nếu là người từng trải, khi phát sinh mâu thuẫn với chủ lao động, họ có thể nghỉ việc, tìm chỗ làm mới chứ không nảy sinh ý định ác độc là giết hại chủ nhà cho bõ tức.

Ngoài ra, sau khi gây án, nhiều đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của nạn nhân làm phương tiện tẩu thoát khỏi hiện trường. Cũng có thể khi quyết định gây án, kẻ thủ ác được thúc đẩy bằng cả 2 động cơ để trả thù và để cướp tài sản mà chúng phát hiện chủ nhà đang sở hữu. Điểm chung nhất giữa các vụ án là kẻ thủ ác đã ra tay là giết cả nhà, nhằm “giết người diệt khẩu”. Điều này đi ra từ bản năng tự vệ của kẻ phạm tội, vì chúng thừa hiểu nếu để có người sống sót thì hành vi tội ác của chúng sẽ bị phát giác. Bản năng thúc đẩy chúng làm mọi việc để nguy cơ bị bắt không xảy ra. Chính vì thế mà ngay cả các cháu nhỏ chúng cũng không nương tay.

Vụ Nguyễn Hải Dương thảm sát ở Bình Phước, theo chúng tôi sở dĩ tên này không giết hại bé gái 6 tháng tuổi, vì đối tượng biết cháu chưa có khả năng tri giác và khai báo. Ngoài ra, trong tất cả các vụ án mạng thợ giết chủ, kẻ thủ ác luôn có mặt sẵn trong nhà nạn nhân trước thời điểm gây án”.

Bài học cảnh giác

Theo Trung tá Hiếu, những vụ án người làm công giết chủ xảy ra trong những năm qua, cho thấy người dân vẫn chưa có ý thức cảnh giác cần thiết; tuyển người làm việc một cách dễ dãi, không qua kiểm tra nhân thân lý lịch và hoạt động hiện hành; cho người làm thuê ở cùng nhà; không có kỹ năng xử lý những tình huống phức tạp trong đêm tối khi phát hiện có vấn đề hay bị tấn công…

Để phòng ngừa các vụ án dạng này, Trung tá Hiếu tư vấn: “Người sử dụng lao động không nên cho người lao động ở cùng nhà hay trong khuôn viên ngôi nhà. Vì việc cho người lạ ở cùng, đồng nghĩa với việc đặt mình vào tình trạng nguy hiểm, đối diện với những nguy cơ khó lường. Nếu bất đắc dĩ phải cho người lao động ở cùng nhà, chủ nhà phải có phòng riêng với cửa chắc chắn, có chốt phía trong. Không gì bảo vệ mình bằng ý thức cảnh giác. Cẩn thận không bao giờ là thừa. Chủ nhà cần suy nghĩ đến những tình huống đột xuất để chuẩn bị sẵn tâm lý và phương án đối phó. Cần cảnh giác với mọi thứ bất thường xảy ra trong đêm tối.

Chẳng hạn như nghe thấy tiếng động, la hét, gọi cửa, chủ nhà cũng đừng vội xô ra ngay, vì trong rất nhiều vụ án mạng, kẻ thủ ác chủ động “dàn cảnh” để gọi chủ nhà dậy, điều đến vị trí thuận lợi để giết hại. Khi đó, cần bình tĩnh nghe ngóng động tĩnh, có thể bật điện sáng, gọi điện cho người nhà ai ở yên trong phòng đó, có thể làm động tác gọi điện báo Công an. Đối tượng thấy chủ nhà đã đề phòng và gọi điện cho Công an, thường thì sẽ không dám ra tay hoặc chọn cách “rút êm”.

Ngoài ra, nếu bị đối tượng tấn công bất ngờ, hãy tin rằng chúng có mục đích đoạt mạng, vì chúng biết nếu để chủ nhà sống hành vi sẽ bị tố cáo. Vì vậy, hãy chống trả quyết liệt nhất có thể, bằng mọi công cụ phương tiện, vũ khí có được. Nếu tạm thời vô hiệu hóa được đối tượng, hãy bỏ chạy vào các phòng có cửa an toàn, đừng cố gắng bắt giữ đối tượng. Cần chốt trong, bật điện, gọi công an. Trong gia đình cần tập huấn trước về cách xử lý tình huống đang đêm có biến. Theo đó, ai nằm yên ở phòng đó, đóng chặt cửa, cầm sẵn vũ khí và gọi điện báo công an.

Để đảm bảo an toàn, cần thận trọng khi tuyển dụng, tiếp nhận người về làm việc. Nguồn nhân lực phải do các cơ sở cung ứng lao động có uy tín cung cấp. Người lao động phải có hồ sơ lý lịch rõ ràng, khi đến làm phải khai báo tạm trú tạm vắng với cơ quan công an. Ngoài ra, chủ nhà nên giữ lại giấy tờ tùy thân, hồ sơ và nên xác minh độc lập lý lịch, hoạt động của người lao động tại nơi họ cư trú.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/chuyen-gia-toi-pham-hoc-noi-gi-ve-tham-an-binh-tan-1244107.tpo