Chuyên gia Việt viết phần mềm đưa quần vợt Nhật lên ngôi

Miệt mài trong gần 3 năm ròng rã mới xong phần mềm đầu tay VBStats chuyên dụng cho bóng chuyền, Lê Thân Minh Châu không nghĩ có ngày ứng dụng TennisStats 'sinh sau đẻ muộn' lại góp công đưa các tay vợt Nhật Bản lên đỉnh thế giới

Những ngày cuối năm ngoái, vị giám đốc Việt kiều Lê Thân Minh Châu đem phần mềm TennisStats "chào hàng" với Liên đoàn Quần vợt (LĐQV) TP HCM với kỳ vọng sẽ góp phần đào tạo thêm nhiều "Lý Hoàng Nam", chung tay đưa quần vợt Việt tiến xa trên bản đồ làng banh nỉ thế giới.

Từ EA Sports đến Perana Sports

Mê thể thao từ bé, cậu học sinh Lê Thân Minh Châu được tham gia đội tuyển bóng chuyền Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TP HCM) nhờ chiều cao lên đến 1,8 m dù thi đấu không quá giỏi. Sang định cư ở Úc, Châu thi đậu vào Trường ĐH Xây dựng nhưng khi tốt nghiệp lại không có việc làm trong khoảng thời gian nền kinh tế xứ sở chuột túi khủng hoảng nghiêm trọng. Anh buộc phải xin vào làm công ở các hãng xưởng để mưu sinh cho đến khi nhận được công việc kỹ sư giao thông ở Melbourne.

Khi chuyển qua lĩnh vực công nghệ thông tin sau đó vài năm, anh tự học ngôn ngữ vi tính và cách viết phần mềm, chủ yếu qua sách vở. Một khoảng thời gian dài, Châu gia nhập EA Sports với công việc chính ở ê-kíp sản xuất trò chơi nổi tiếng FIFA.

Cũng vẫn niềm đam mê bóng chuyền đã đưa cuộc đời anh sang một ngã rẽ khác. Năm 2008, Châu cùng đội tuyển bóng chuyền trẻ của Úc sang Đài Loan (Trung Quốc) dự giải trẻ châu Á với vai trò chuyên gia thống kê và phân tích. Trên thế giới lúc bấy giờ, DataVolley là phần mềm duy nhất có thể thống kê và phân tích một cách khoa học. Điểm yếu của ứng dụng này, ngoài giá trị rất đắt, còn là cách sử dụng rất phức tạp, có khi đến 2-3 năm mới đào tạo được một người sử dụng thành thục. Không có DataVolley, Châu phải dùng các phần mềm khác, trong đó có Adobe Premiere, để xử lý công việc. Mỗi đêm anh chỉ tranh thủ ngủ được vài giờ khi phần lớn thời gian trong ngày phải vùi đầu vào chuyện phân tích.

Quá vất vả với chính công việc mình yêu thích, sau giải, Châu quyết định tự viết phần mềm để giải tỏa áp lực cho bản thân trong những chuyến đi khác. Công ty Perana Sports được thành lập và ứng dụng đầu tiên là VBStats ra đời sau đó 3 năm.

Ông Lê Thân Minh Châu (thứ hai từ phải sang) và các HLV bóng chuyền Philippines. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Lê Thân Minh Châu (thứ hai từ phải sang) và các HLV bóng chuyền Philippines. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Doanh số hàng trăm triệu USD/10 năm

Viết ứng dụng dùng cho nhu cầu bản thân, thế nhưng bởi nhận thấy VBStats được nhiều nơi quan tâm, Lê Thân Minh Châu bắt đầu đăng bán trên mạng. Nếu như người dùng DataVolley phải trả vài ngàn USD mỗi năm thì giá của VBStats chỉ bằng một phần rất nhỏ với vỏn vẹn 30 USD! Tình yêu dành cho bóng chuyền khiến anh quyết định phải giúp các đội bóng có thể dễ dàng sở hữu và sử dụng để nâng dần trình độ.

Năm 2012, một người bạn Úc làm HLV bóng chuyền bãi biển (BCBB) đề nghị Châu chỉnh sửa app để dùng cho môn thể thao này. Kết quả, BCBB Úc tiến bộ rất nhiều trong 6 năm qua với CLB Clancy-Artacho hiện xếp hạng 5 thế giới còn đội tuyển nước này có nhiều cơ hội thành công ở Olympic Tokyo 2020.

Thấy BCBB gặt hái những kết quả ban đầu khá ấn tượng, LĐQV Úc đặt vấn đề hợp tác, đề nghị Châu làm app riêng cho quần vợt. Mất hơn 2 năm để ứng dụng mới của Perana Sports ra đời và app hiện được sử dụng cho các tay vợt nhà nghề và VĐV các tuyến trẻ. Đó là lý do để thế hệ của những Ashley Barty, Gavrilova (nữ), Nick Kyrgios, De Minaur, John Millman (nam) thời gian gần đây tiếp bước nhau cùng chen chân vào Top 50 thế giới. HLV trưởng Nicole Pratt của đội tuyển quần vợt nữ Úc khẳng định TennisStats đã làm thay đổi bộ mặt của quần vợt, thay đổi hẳn cung cách huấn luyện cũng như thi đấu.

Từ thành công của người Úc, LĐQV Nhật Bản năm ngoái đã quyết định thuê TennisStats và đã gặt hái nhiều chiến tích ngoạn mục với việc Kei Nishikori góp mặt ở top 5 thế giới của nam còn tay vợt Naomi Osaka trở thành người Nhật đầu tiên vô địch một giải Grand Slam (Mỹ mở rộng 2018) và sau khi vô địch giải Úc mở rộng 2019, cô gái trẻ này chính thức trở thành tay vợt châu Á đầu tiên lên vị trí số 1 thế giới.

Perana Sports là công ty tư nhân với vỏn vẹn 3 thành viên, ngoài giám đốc Lê Thân Minh Châu đảm trách luôn khâu kỹ thuật và viết phần mềm, 2 vị trí còn lại đều là bạn thân của anh, một là giáo viên, một là quản lý nhà thi đấu và nghề tay trái của cả hai chính là HLV bóng chuyền. Một người lo khâu nghiên cứu thị trường và marketing còn một người phụ trách tài chính. Khách hàng của công ty ngày càng được mở rộng và doanh số của Perana Sports trong vòng một thập niên tới ước lên đến khoảng hàng trăm triệu USD.

Đi từ thể thao eSport đến thể thao thực, đến nay, Lê Thân Minh Châu đã viết ứng dụng cho các môn thể thao như bóng chuyền, BCBB, quần vợt, cricket, cầu lông, thuyền rowing, netball và mới đây, anh ký hợp đồng với Liên đoàn Bơi lội Úc để viết ứng dụng với hy vọng cải thiện đáng kể thành tích của các kình ngư xứ sở chuột túi ở Olympic Tokyo 2020.

Giao diện của phần mềm VBStats

Perana Sports ở Việt Nam

Nhiều lần tháp tùng đội tuyển bóng chuyền nữ Úc sang thi đấu ở Việt Nam và nhận được sự tiếp đãi nồng hậu, Minh Châu cảm cái tình ấy và muốn làm một điều gì đó cho thể thao quê nhà. Năm 2017, anh chủ động liên lạc với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và bỏ tiền túi ra Ninh Bình tham gia công tác phân tích và thống kê tại Giải Vô địch các CLB nam châu Á rồi làm việc tại Giải nữ quốc tế VTV Cup cùng năm tổ chức ở Hải Dương. Châu cũng chủ động mở một khóa học về phân tích và thống kê qua app cho các HLV trẻ như Phạm Thị Yến, Phạm Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Lê Hồng Huy…

Trong thời gian ở Ninh Bình, Châu gặp Nguyễn Đình Lập, từng là phụ công của đội tuyển Việt Nam và CLB Tràng An Ninh Bình (TANB) nhưng vì chấn thương phải giải nghệ sớm, chuyển sang làm HLV của đội trẻ TANB. Lập được "truyền nghề" và TANB từ đó giành chiến thắng như chẻ tre nhờ thay đổi chiến thuật dựa theo thông tin thống kê thu thập được của đối phương.

"Sản phẩm của Perana Sports được thuê và sử dụng tại Olympic Rio ở các môn BCBB, cầu lông và quần vợt. Hiện nay, ngoài sản xuất phần mềm, công ty còn nhận thầu làm thống kê cho các LĐQV và bóng chuyền Úc. Thú vị nhất là công việc này hiện do nhiều nhóm bạn trẻ ở Việt Nam đảm trách, giúp cải thiện đáng kể thu nhập của họ. HLV Nguyễn Đình Lập thời gian rảnh rỗi cũng làm thống kê cho cả Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Úc với hơn 100 trận/năm" - Giám đốc Lê Thân Minh Châu chia sẻ.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/chuyen-gia-viet-viet-phan-mem-dua-quan-vot-nhat-len-ngoi-20190224220015599.htm