Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'Chủ tịch VFF nên tiếp tục là doanh nhân'

Nhiệm kỳ 7 Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lần đầu tiên có Chủ tịch là một doanh nhân. Nhiều người kỳ vọng việc xã hội hóa bóng đá sẽ mang lại những điều mới mẻ và giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm. Tuy nhiên, khi nhiệm kỳ 7 mới qua được nửa chặng đường, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã có ý xin rút lui vì lý do sức khỏe. VFF đang có động thái tìm người thay thế.

Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục lựa chọn một người đứng đầu ngành bóng đá là doanh nhân? Trao đổi với Lao Động, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho biết:

- Nhiệm kỳ 7 VFF có điều đặc biệt là Chủ tịch là người ngoài ngành thể thao. Như trước đây thì Chủ tịch VFF bắt buộc phải là người nhà nước, có vị trí cao càng tốt. Nhưng lần này thoáng hơn khi lựa chọn doanh nhân để huy động nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, lần này chúng ta bộc lộ một vấn đề là lựa chọn một vị chủ tịch không đáp ứng được toàn diện các yêu cầu, mà chỉ đáp ứng được nhu cầu về điều kiện tài chính và các mối quan hệ để có thể hỗ trợ bóng đá ban đầu. Còn tất cả các vấn đề thực hiện lộ trình bóng đá chuyên nghiệp thì chưa làm được. Nhìn lại các CLB bóng đá chuyên nghiệp, có đến 7 - 8 CLB không đạt tiêu chí AFC.

Vấn đề thứ 2, trong việc xã hội hóa bóng đá cần một người chủ tịch có tiềm lực tài chính để hỗ trợ các đội tuyển như Thái Lan đã từng làm. Nhưng việc này chúng ta không thể làm được, vẫn trông chờ vào Nhà nước. Nói chung, nhiệm kỳ này đưa doanh nhân lên làm chủ tịch thì kèm theo rất nhiều vấn đề cần tính toán. Đặc biệt chưa chọn được một người có đầy đủ tầm vóc, có tình yêu với bóng đá, sự hiểu biết và chia sẻ với giới bóng đá. Không tập hợp được những người có chuyên môn để giúp đỡ, trong khi bộ máy hoạt động VFF thiếu hoàn chỉnh, không có bộ phận chuyên môn sắc sảo giúp việc. Ví dụ như đã góp ý, phát biểu mãi rồi nhưng vẫn không thuê hoặc cử ai làm giám đốc kỹ thuật. Ai cũng biết vai trò của giám đốc kỹ thuật cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nền bóng đá nào.

Như vậy, xét chung cả vấn đề có thể thấy, cái tâm của người đứng đầu nhiệm kỳ qua cũng chỉ ở một mức độ thôi, nhưng cái tầm thì chưa tới. Điều này cho chúng ta một bài học, trước đây chúng ta dùng người của nhà nước có nhiều hạn chế trong việc huy động tài chính. Nhưng nay, ông chủ tịch là một doanh nhân đúng như lời khuyên của FIFA và các liên đoàn bóng đá trên thế giới. Thế nhưng, chúng ta lại chưa chọn được một người đủ cái tâm và cái tầm để thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm kỳ này đã bộc lộ đầy đủ những sự bất cập một vấn đề mới của chúng ta là lựa chọn một doanh nhân làm Chủ tịch VFF.

Theo ông, tiêu chí nào lựa chọn Chủ tịch VFF?

- Điều đầu tiên chúng ta cần xác định rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước phù hợp với FIFA. Chúng ta là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, làm sao phải chọn được một ông chủ tịch rất am hiểu điều đó. Ông ấy phải am hiểu điều lệ, tổ chức liên đoàn. Tổng cục TDTT cần phải giám sát, để còn điều chỉnh nếu VFF hoạt động sai đường lối. Như vừa rồi chúng ta cấu tạo thường trực ban chấp hành vai trò chuyên môn gần như bằng không. Như vậy không còn vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp. Phải giám sát để VFF tổ chức rõ vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp. Như vừa rồi chúng ta không chú trọng vai trò nghề nghiệp.

Trong khi chọn người, nếu chọn doanh nhân là lý tưởng. Nhưng doanh nhân phải đam mê bóng đá và có tầm. Có thể người ta không trực tiếp làm nhiều, không trực tiếp chỉ đạo việc cụ thể. Nhưng người ta phải tập hợp xung quanh những chuyên gia giỏi, dám nói, dám làm, dám phản biện mới thực hiện được nhiệm vụ xây dựng nền bóng đá hiện tại.

Nếu Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng xin nghỉ, ai sẽ là người thay thế thích hợp trong thời điểm này, thưa ông?

- Tôi nghĩ việc ông Dũng từ chức là điều sẽ phải xảy ra thôi vì tình hình sức khỏe của ông ấy không được tốt. Đối với một người dù có nhiệt tình, tận tụy đến đâu đi chăng nữa nhưng sức khỏe không đảm bảo thì xin rút và nhường vị trí cho người khác là việc làm đúng đắn và có trách nhiệm.

Người hợp lý trong thời điểm này là ông Đoàn Nguyên Đức. Nhưng như ông ấy đã nói, doanh nghiệp của ông ấy mới là số 1. Nếu ông Đức dành thời gian cho VFF thì rất tốt. Ông Đức trong quá trình xây dựng CLB HAGL đã chọn được những chuyên gia rất giỏi như ông Nguyễn Văn Vinh, Huỳnh Mau... Ông ấy tận dụng tất cả những con người có nghề, giỏi bóng đá để xây dựng HAGL. Đây là một người có thể làm được chủ tịch. Nếu mọi người tạo điều kiện giúp đỡ, ông ấy sẽ tập hợp được những chuyên gia xây dựng nền bóng đá. Điều hạn chế là ông Đức có đội bóng, mà chủ tịch thì không nên dính đến đội bóng.

Theo ông, Chủ tịch VFF những nhiệm kỳ sau có nên tiếp tục là doanh nhân?

- Tôi nghĩ vẫn nên theo xu hướng tìm một vị chủ tịch là doanh nhân để tận dụng nguồn lực cá nhân, uy tín của họ để vận động thêm tiền bạc giúp VFF giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, để tìm người có tâm, có tầm, cần có quá trình xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/chuyen-gia-vu-manh-hai-chu-tich-vff-nen-tiep-tuc-la-doanh-nhan-514573.bld