Chuyên gia WHO lý giải khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ

Trưởng nhóm các nhà khoa học WHO Soumya Swaminathan khẳng định biến thể của Ấn Độ B.1.617 là một yếu tố góp phần vào 'thảm họa' Covid-19 diễn ra ở quốc gia này.

Ngày 8/5, trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới WHO Soumya Swaminathan cho biết một biến thể Covid-19 xuất hiện lần đầu vào tháng 10/2020 ở Ấn Độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và làm giảm hiệu quả của vaccine. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra tại đất nước tỷ dân, South China Morning Post dẫn lời bà Swaminathan.

WHO từng liệt biến thể B.1.617, bao gồm cả một số dòng biến thể con đột biến khác, vào danh sách những biến thể “được quan tâm” - danh sách chỉ ra những loại biến thể nguy hiểm gấp nhiều lần phiên bản virus gốc với khả năng lây truyền nhanh hơn, gây tỷ lệ tử vong cao và giảm hiệu quả vaccine. Tuy nhiên, hiện nay WHO đã rút biến thể này ra khỏi danh sách.

Trong khi đó, một số cơ quan y tế quốc gia, bao gồm cả ở Mỹ và Anh, cho biết họ coi B.1.617 là một biến thể đáng lo ngại, và bà Swaminathan cho biết bà mong muốn WHO sẽ sớm nhận ra điều này.

 Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan. Ảnh: South China Morning Post.

Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan. Ảnh: South China Morning Post.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng không thể đổ lỗi cho biến thể này là nguyên nhân chính. Sự gia tăng các ca mắc và ca tử vong tại quê hương bà là hệ quả của việc thiếu cảnh giác khi từ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm, cùng với việc tổ chức các cuộc tụ tập với quy mô khổng lồ trong khi virus corona vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng, theo bà Swaminathan.

“Tại thời điểm này, rất khó để kiểm soát tình hình vì virus corona đã ủ bệnh trong hàng chục nghìn người, và cứ thể nhân lên cấp số nhân”, bà Swaminathan nói thêm.

Về kế hoạch mở rộng quy mô tiêm chủng để kiềm chế sự bùng phát các ca nhiễm của giới chức Ấn Độ, bà Swaminathan cảnh báo vaccine là không đủ để ngăn chặn đại dịch.

Bà chỉ ra rằng Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - mới chỉ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine cho khoảng 2% dân số.

“Sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm để 70 đến 80% dân số được tiêm chủng (con số tối thiểu để đạt được miễn dịch cộng đồng)”, bà nói. "Trong tương lai gần, điều chúng ta cần là thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm”.

Sự gia tăng các ca nhiễm tại Ấn Độ có thể tạo điều kiện cho các biến thể mới và nguy hiểm hơn nữa phát triển và thích nghi. “Càng nhiều biến thể xuất hiện thì chúng càng có khả năng kháng với các loại vaccine hiện tại”, bà khẳng định đây không chỉ là vấn đề của riêng Ấn Độ mà là của toàn thế giới.

Lời kể giáo sĩ an táng cho 150 bệnh nhân Covid-19 trước khi hỏa thiêu Mỗi ngày, giáo sĩ đạo Hindu RamKaran Mishra thực hiện nghi lễ an táng cho khoảng 150 người qua đời vì Covid-19 tại cơ sở hỏa táng Ghazipur ở phía đông New Delhi, Ấn Độ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-who-ly-giai-khung-hoang-covid-19-tai-an-do-post1213355.html