Chuyên gia World Bank: Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp

Theo chuyên gia Jacques Morisset, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao và triển vọng tích cực trong ngắn hạn...

Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset - Ảnh: VGP

Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset - Ảnh: VGP

Tại Hội thảo "Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh" (CIEMB 2020) do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jacques Morisset nhận định kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao và triển vọng tích cực trong ngắn hạn.

Trong bài trình bày với tiêu đề "Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp", ông Jacques Morisset đã đề cập tới những vấn đề chính mà nền kinh tế Việt Nam cần quan tâm và hành động. Ông nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

"Là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương, Việt Nam và Trung Quốc đang dẫn đầu với chỉ số công nghiệp, các chuyến bay cũng tăng, người dân đi lại nhiều hơn. Công việc và cuộc sống đã trở lại nhịp bình thường trong tinh thần nghiêm túc phòng bệnh", chuyên gia của World Bank nhận xét.

Tuy vậy, ông Jacques Morisset cho rằng dù kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhưng không đồng nghĩa người dân và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Ông đề cập tới những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, như cú sốc của các ngành kinh tế khác nhau, triển vọng việc làm cho người lao động, đặc biệt là 2,5 triệu người đang rơi vào cảnh khó khăn.

Chuyên gia của World Bank dẫn chứng rằng 1/3 hộ gia đình (khoảng 7 triệu hộ) tại Việt nam bị giảm thu nhập, 50% các doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng tới, 16% doanh nghiệp có nợ khó đòi và 31% doanh nghiệp dự kiến phát sinh nợ khó đòi trong 6 tháng tới.

Ông Jacques Morisset cho rằng Việt Nam cũng đang đối mặt những rủi ro về tài khóa, tài chính và xã hội. Rủi ro tài khóa là thu ngân sách giảm, chi ngân sách tăng, thâm hụt tăng. Rủi ro về tài chính là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại giảm, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp (chỉ 18/46 ngân hàng tuân thủ Basel II). Còn rủi ro về xã hội là có thêm nhiều người nghèo và bất bình đẳng gia tăng.

Dù vẫn đánh giá tích cực về triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế, chuyên gia World Bank nhấn mạnh rằng Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định. Đặc biệt, cần có chính sách thuế phù hợp, quản lý hiệu quả hơn đầu tư công, tăng cường tái cấu trúc ngân hàng, tiếp tục các chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu.

"Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát đại dịch rất tốt", ông Jacques Morisset nhận xét. "Thách thức tiếp theo là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này bằng cách giảm thiểu rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả. Đồng thời, cần nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh".

Ông Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch hoặc hỗ trợ có điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực thải nhiều carbon để giảm lượng khí thải. Đồng thời, cần điều chỉnh việc định giá các tài nguyên không thể tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích các hành vi có trách nhiệm.

Trước đó, trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020, World Bank dự báo GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3% trong năm 2020.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều lợi thế nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhưng cũng đối mặt không ít thách thức trong bối cảnh khủng hoảng chung toàn cầu.

PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương trên thế giới năm nay, nhưng mô hình tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào mà chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu.

Ông cho rằng Việt nam cần tiếp tục duy trì quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong 1-2 năm tới. Tiếp đến là chuẩn bị tốt các nguồn lực cơ bản để phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Quang Thanh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chuyen-gia-world-bank-viet-nam-kien-cuong-trong-mot-the-gioi-suy-sup-20201118202030004.htm