Chuyên gia y tế cảnh báo, nắng nóng gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt

Những ngày này, không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc, miền Trung cũng đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm đầu tiên của mùa hè, có nơi lên tới hơn 40 độ C. Chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt.

Liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ

Anh Nguyễn Minh Th. (32 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử bệnh tim mạch, phải dùng thuốc chống đông máu nhưng đã tự ý dừng thuốc do cảm thấy bệnh ổn định. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dừng uống thuốc, người bệnh xuất hiện đau nửa đầu, choáng, mệt mỏi...

Anh Th. được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai khi có các triệu chứng: Rối loạn ý thức, liệt một phần hai người bên trái; kết quả chụp mạch cho thấy mạch máu lớn (mạch máu nuôi dưỡng một phần hai bán cầu não) đã bị tắc… Rất may bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong thời gian "giờ vàng" (trong vòng 6 giờ đồng hồ) và được điều trị tái tưới máu sớm.

Bệnh nhân nữ được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân nữ được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Chỉ 60 phút khi được đưa đến cấp cứu, người bệnh đã được các bác sĩ thực hiện lấy, đưa huyết khối ra khỏi vị trí tắc, thông mạch máu não, giúp qua “cửa tử”. 3 ngày sau khi được thực hiện can thiệp lấy huyết khối, thông được mạch máu lớn, tái tưới máu cho bán cầu não, người bệnh hồi phục tốt.

Cũng được đưa vào Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân (32 tuổi, quê Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ 1.

Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối và can thiệp tại Trung tâm Điện quang. Sau khi được song song áp dụng 2 phương pháp điều trị tiêu huyết khối và lấy huyết khối thì về lâm sàng, bệnh nhân đã hết nói ngọng, còn yếu nhẹ nửa người phải.

Một trường hợp khác đang chơi cầu lông, nam thanh niên đột ngột liệt nửa người trái. 40 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1 và được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối.

Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn.

PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quy cao nhất với khoảng 200.000 người/mỗi năm. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời.

Sau hơn 3 năm hoạt động, Trung tâm Đột quỵ thống kê cho thấy, người trẻ (dưới 45 tuổi) bị đột quỵ ngày càng nhiều, có trường hợp mới ở độ tuổi 20 - 30, thậm chí dưới 20 tuổi.

Trong khi đó, nhiều ý kiến vẫn cho rằng đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nên người trẻ thường chủ quan. Mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng".

Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ mỗi ngày. Đa số là những người phải đi ra ngoài trời nắng lâu hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não... Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước.

Cách phòng tránh

Theo Bộ Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, người dân lưu ý khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…).

PGS, TS Mai Duy Tôn cảnh báo, vào mùa hè, nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh có những biểu hiện ban đầu như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40 độ C), hôn mê…

Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt muộn là: Co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong. Sốc nhiệt đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Để phòng bệnh đột quỵ, nhất là trong thời tiết nắng nóng gay gắt, PGS, TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh; tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….

Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…), người bệnh cần được đưa ngay đến các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời trong giai đoạn giờ vàng (từ 4 - 6 giờ).

Người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt từ 12 đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Đồng thời, người dân nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 - 2 lít nước/ngày.

Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy; không sử dụng các loại đồ uống có cồn, cần uống nước đều đặn suốt thời gian làm việc...

Duy Anh

Báo Lao động Xã hội số 58

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/chuyen-gia-y-te-canh-bao-nang-nong-gia-tang-cac-ca-dot-quy-soc-nhiet-20240514140322664.htm