Chuyển giao chủ quyền của Macau

Ngày 20-12-1999, Cộng hòa Bồ Đào Nha đã chuyển giao chủ quyền của Macau sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuyên bố chung Trung-Bồ và Luật cơ bản Macau quy định rằng Macau có quyền tự trị cao độ ít nhất là đến năm 2049, tức 50 năm sau ngày chuyển giao.

Macau phát triển thành một khu vực dân cư lớn khi người Bồ Đào Nha đến vào thế kỷ XVI thời nhà Minh. Năm 1513, Jorge Álvares trở thành người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Năm 1535, nhà Minh cho phép các thương nhân Bồ Đào Nha có được quyền neo tàu ở các bến cảng của Macau và thực hiện hoạt động giao thương, mặc dù không có quyền ở trên bờ.

Sau Chiến tranh Nha phiến (1839-1842), Bồ Đào Nha chiếm đóng 2 đảo Đãng Tử và Lộ Hoàn tương ứng vào các năm 1851 và 1864. Ngày 1-12-1887, triều đình nhà Thanh và Chính phủ Bồ Đào Nha đã ký kết Điều ước Hòa hảo và Thông thương Trung-Bồ, theo đó Trung Quốc nhượng quyền "chiếm giữ và cai trị vĩnh viễn Macau cho Bồ Đào Nha" tuân theo các bản tuyên bố của Nghị định thư Lisboa.

Bồ Đào Nha sẽ có nghĩa vụ "không bao giờ chuyển nhượng Macau khi không có thỏa thuận trước với Trung Quốc", do đó đảm bảo rằng đàm phán giữa Bồ Đào Nha và Pháp (đối với khả năng đổi Macau và Guinea thuộc Bồ Đào Nha với Congo thuộc Pháp) hoặc với các quốc gia khác sẽ không tiến triển - vì vậy mà các lợi ích thương mại của Anh được bảo đảm; Macau chính thức trở thành một lãnh thổ dưới quyền cai trị của Bồ Đào Nha.

Năm 1928, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân đảng đã thông báo chính thức cho Bồ Đào Nha rằng họ hủy bỏ Điều ước Hòa hảo và Thông thương. Hai bên ký kết một điều ước Hữu nghị và Thông thương Trung-Bồ mới để thay thế điều ước bị bãi bỏ. Ngoại trừ một vài quy định liên quan đến nguyên tắc thuế quan và các vấn đề liên quan đến thương mại, điều ước mới không làm thay đổi chủ quyền của Macau và quyền cai trị của Bồ Đào Nha tại Macau vẫn không thay đổi.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, Chính phủ Bắc Kinh tuyên bố Điều ước Hữu nghị và Thông thương Trung-Bồ là một "điều ước bất bình đẳng" do ngoại quốc áp đặt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã không sẵn sàng để giải quyết và duy trì "nguyên trạng" cho đến một thời gian thích hợp hơn.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc đại lục và tâm trạng bất mãn rộng rãi với Chính phủ Bồ Đào Nha, các cuộc bạo động đã nổ ra ở Macau vào năm 1966. Nghiêm trọng nhất là "Sự kiện 3-12", khiến 6 người bị giết và hơn 200 người bị thương. Ngày 28-1-1967, Chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Ngay sau khi chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha bị lật đổ vào năm 1974 tại Lisboa, Chính phủ mới của Bồ Đào Nha đã xác định rằng nước này sẽ từ bỏ toàn bộ các thuộc địa hải ngoại của mình.

Năm 1976, Chính phủ Lisboa tái định nghĩa Macau là một "lãnh thổ Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của Bồ Đào Nha" và trao cho Macau quyền tự trị ở mức độ lớn về hành chính, tài chính và kinh tế. Ba năm sau, Bồ Đào Nha và Trung Quốc đồng thuận xem Macau là "một lãnh thổ Trung Quốc nằm dưới sự quản lý (tạm thời) của Bồ Đào Nha".

Chính quyền Trung Quốc và Bồ Đào Nha khởi đầu đàm phán về vấn đề Macau vào tháng 6-1986. Hai bên ký kết Tuyên bố chung Trung-Bồ vào năm sau đó, theo đó Macau sẽ trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc chính thức tiếp nhận chủ quyền đối với Macau vào ngày 20-12-1999. Từ sau khi trở về với Trung Quốc, kinh tế Macau tiếp tục thịnh vượng với sự tăng trưởng liên tục của du lịch từ Trung Quốc đại lục và xây mới các casino.

Tuyên bố chung Trung-Bồ và Luật Cơ bản Macau, Hiến pháp Macau do Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc ban hành vào năm 1993, xác định rằng hệ thống kinh tế, lối sống, quyền và tự do của Macau sẽ được duy trì không thay đổi ít nhất là 50 năm sau khi chủ quyền của khu vực được chuyển giao về Trung Quốc vào năm 1999.

Theo chính sách "Một quốc gia, hai chế độ", Macau được hưởng một quyền tự trị cao độ trên tất cả các lĩnh vực ngoại trừ quốc phòng và các vấn đề ngoại giao.

Các quan chức Macau, chứ không phải là quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ điều hành Macau bằng cách sử dụng riêng biệt các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như quyền phân xử cuối cùng. Macau duy trì tiền tệ, lãnh thổ hải quan, kiểm soát nhập cư và ranh giới, và lực lượng cảnh sát riêng biệt.

Xuân Trường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/chuyen-giao-chu-quyen-cua-macau-525707/