Chuyển giao công nghệ: Chính sách 'bay bổng', DN vẫn tư duy 'phong bì'

Nguyên nhân quan trọng khiến mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua của Việt Nam không như mong đợi được đưa ra tại Hội thảo về 'Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài' là: Chính sách còn 'bay bổng' và doanh nghiệp còn tư duy 'phong bì'.

Hội thảo về “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài”. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Tại Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 25/6, tại Hà Nội, Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương thừa nhận: Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN ĐTNN) sang DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Đây cũng chính là nội dung được các chuyên gia đầu ngành và đại diện cho Hội các nhà quản trị DN Việt Nam thảo luận sôi nổi nhằm góp phần hoàn thiện Báo cáo Tổng kết và Hội nghị tổng kết 30 năm ĐTNN, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2018.

Chính sách về chuyển giao công nghệ “quá bay bổng

TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) cho rằng chuyên đề Hội thảo rất hấp dẫn nhưng vấn đề lớn nhất mà VACD trông đợi lại chưa thấy đến.

Đó là, 30 năm qua, Việt Nam coi các khu vực ĐTNN là một kênh chuyển giao công nghệ quan trọng nhưng kết quả đạt được là rất thấp. VACD với khoảng 3000 đơn vị thành viên không cảm nhận được công nghệ ĐTNN vào các DN như thế nào.

“Chúng ta thực hiện chưa đúng bản chất của ĐTNN nên trông đợi nhiều quá vào lĩnh vực này mà chưa rõ được chỗ nào là chỗ ưu tiên can thiệp của Nhà nước để phát triển năng lực công nghệ. Nền tảng để phát triển công nghệ Việt Nam có đủ, nhưng Việt Nam không làm thật”, ông Tiến chỉ rõ.

Ông Tiến đưa ra cảm nhận: Sự chuyển giao công nghệ trong khu vực ĐTNN thông qua việc những người làm cho đơn vị liên doanh tách ra làm quản lý độc lập áp dụng công nghệ đã từng được thẩm thấu từ khu vực ĐTNN là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là sự lan tỏa tự nhiên, không phải chủ ý lan tỏa công nghệ từ DN ĐTNN. Điều này cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung vào đánh giá, tổng kết của mình.

“Chính sách của chúng ta liên quan đến chuyển giao công nghệ hình như bay bổng quá. Chính sách đã có đủ nền tảng cơ bản nhưng không tạo được sự liên kết giữa khu vực công nghiệp và công nghệ. Chúng tôi có đọc rất nhiều chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025 và 2035, tuy nhiên, lồng ghép các yêu cầu cụ thể về công nghệ trong chiến lược công nghiệp gần như không có. Chúng ta nói về hỗ trợ, trong khi mấy chục năm rồi, chúng ta không có nền cơ khí cơ bản nào cho nền kinh tế quốc dân. Phải chăng chúng ta định vị việc học hỏi chuyển giao công nghệ đâu đó nằm ở việc hỗ trợ cung ứng và làm việc với các DN ĐTNN?”, ông Tiến đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Tiến, không có chính sách ngăn cản nhưng độ trễ công nghệ chuyển giao là đương nhiên, không có cách nào mà DN ĐTNN chuyển giao cho Việt Nam công nghệ mới tinh, để Việt Nam sản xuất và cạnh tranh sản phẩm. Bởi vì, ĐTNN bản chất là lợi nhuận và thị trường. VACD mong chờ tìm ra câu trả lời 30 năm qua, tại sao chuyển giao công nghệ tại Việt Nam lại rất chậm. Có như vậy, Chính phủ mới đưa ra được những can thiệp kịp thời và DN mới có được bài học cho chính mình.

Phần lớn DN theo tư duy công nghệ “phong bì”

Thực trạng đáng buồn này được TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Theo ông Doanh, việc chuyển giao công nghệ rất thấp của Việt Nam trước thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức đáng lo ngại.

Xét về mặt kinh tế, phần lớn các DN của Việt Nam hiện nay là DN nhỏ, kinh tế tư nhân hoạt động theo luật DN chỉ có 9,6% GDP, còn hộ gia đình là 31,2% GDP, trong đó 17% là nông nghiệp. Mà hộ gia đình thì không có sản phẩm, không có thương hiệu, không đăng ký theo luật, cũng không nộp thuế theo hóa đơn chứng từ mà nộp thuế khoán. Vì vậy, khối hộ gia đình là khối vô hình thức, không có khả năng cạnh tranh và hợp tác với khối ĐTNN và cũng không muốn vận dụng khoa học công nghệ. Các DN khác, hầu như không có DN tư nhân nào liên kết với DN ĐTNN, mặc dù luật cho phép.

“Phần lớn DN theo tư duy tìm kiếm lợi nhuận thông qua công nghệ “phong bì”, công nghệ “quan hệ với lợi ích nhóm” để thành công ty sân sau, vì vậy, vận dụng khoa học công nghệ rất thấp. Tôi đề nghị chúng ta cố gắng nghiên cứu một số trường hợp điển hình có kinh nghiệm tốt để khuyến khích DN tư nhân vận dụng khoa học công nghệ một cách tốt hơn”, ông Doanh khuyến nghị.

Đánh giá cao sự đột phá của một số DN trên lĩnh vực nông nghiệp đã nhanh nhạy vận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, gia tăng nhanh chóng sản phẩm xuất khẩu, TS. Lê Đăng Doanh gợi ý kinh nghiệm về mô hình chuyển giao công nghệ tại Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) với 8,2 triệu dân mà ông vừa được chứng kiến. Chính quyền tại đây đã thành lập một học viện về người máy và công nghệ cao để giúp DN tư nhân đào tạo, chuyển giao công nghệ. Trong đó, DN tư nhân muốn mua người máy sẽ được chính quyền trợ giúp 60% chi phí, muốn đào tạo công nhân sẽ được chính quyền trợ giúp 40-60% chi phí tùy theo ngành nghề. Nếu người máy thay công nhân và công nhân thất nghiệp, viện này sẽ đào tạo và giúp những công nhân đó có thể tìm được công việc thích hợp cho mình. Thậm chí, ở Phật Sơn, DN còn có chế độ ưu đãi với chuyên gia giúp DN thu hút được đầu tư lớn thông qua việc sẵn sàng biếu một tỷ lệ cổ phần để biến chuyên gia thành cổ đông của họ.

Thông qua bài học kinh nghiệm này, ông Doanh đề xuất: Chính quyền địa phương nên có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn về đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các DN để tận dụng tốt các cơ hội phát triển.

Cần coi nhập khẩu công nghệ là nhu cầu, không phải mục đích

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Tham gia thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định: Bao nhiêu năm qua, chính sách về chuyển giao công nghệ của Việt Nam đã hình dung chưa đúng về công nghệ trong sản xuất - mới chỉ theo cách hiểu nhập công nghệ về, đưa vào sản xuất rồi tạo ra năng suất và xem công nghệ như một cái gì đó khách quan.

“Chính sách bao nhiêu năm qua còn như là thời kỳ đầu mới mở cửa, thời kỳ chưa có khu vực kinh tế tư nhân. Bây giờ không phải như vậy. Ngay cả với Samsung, công nghệ cứng rất cao nhưng họ vẫn phải cải thiện công nghệ hàng ngày, hàng giờ trong dây chuyền của họ để phù hợp với trình độ và năng lực của từng công nhân. Quá trình chuyển giao công nghệ phải là động lực để tạo ra sự thay đổi, không phải cứ đi mua hay là áp đặt tầm nhìn của một số cơ quan nhà nước rồi nhập khẩu về Việt Nam”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, công nghệ phải gắn chặt với các khu vực kinh tế, đây là điều cần được nhận thức lại. Công nghệ phải đến từ bên trong, từ động lực thực sự là lợi nhuận. Nếu tư duy từ trên xuống, xem thay đổi công nghệ theo hướng nào rồi mang về bảo DN làm là không phù hợp.

Để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ trong DN, ông Thành nhấn mạnh: “DN tính từng đồng của họ và họ có bài toán riêng để tự làm. Do vậy, chúng ta cần có cơ chế để thay đổi thu hút ĐTNN cũng như xem chính sách nội địa trong tương lai là đích để công nghệ được phát triển ở Việt Nam. Nhập khẩu công nghệ chỉ nên coi là nhu cầu của DN chứ không phải là mục đích”.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/chuyen-giao-cong-nghe-chinh-sach-bay-bong-dn-van-tu-duy-phong-bi-2670.html