Chuyển giao quyền lực tại Nhật Bản

(VOV) - Các đảng phái chính trị tại Nhật Bản đã đạt được nhất trí về việc tổ chức phiên họp Quốc hội bất thường trong 4 ngày từ 16 – 20/9 để bầu ra Thủ tướng mới thay thế ông Taro Aso.

Với thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 30/8 vừa qua, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ông Yukio Hatoyama chắc chắn được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản và sẽ tiến hành thành lập Chính phủ mới sau khi lên nắm quyền vào ngày 16/9 tới thay thế Chủ tịch Đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) Taro Aso. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù giành được đa số 308/480 ghế tại Hạ viện, nhưng DPJ vẫn chưa kiểm soát số ghế quá bán tại Thượng viện khiến đảng này phải tính đến việc liên minh với hai đảng nhỏ khác là Đảng Xã hội (SDP) và Đảng Nhân dân mới (PNP) để đạt được thuận lợi trong thông qua các dự luật tại quốc hội. Đến nay, DPJ đã tiến hành 3 vòng đàm phán với SDP và PNP và đạt được nhất trí về chính sách chung cũng như thành lập chính phủ liên minh mới. Tuy nhiên, thử nghiệm đầu tiên đối với ông Hatoyama là việc lựa chọn thành viên nội các. Nếu việc chọn các vị trí quan trọng như Chánh Văn phòng Nội các, Bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính đã khó bởi 3 đảng đều có những yêu sách về nhân sự của mình thì việc chọn nhân vật cho vị trí Bộ trưởng phụ trách Ủy ban chiến lược quốc gia, một cơ quan có vị trí quan trọng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng còn khó hơn. Ủy ban này sẽ có chức năng đưa ra dự toán ngân sách của chính phủ, chính sách ngoại giao cơ bản và các quyết sách quan trọng khác. Mặc dù vậy, phát biểu trước báo giới, ông Hatoyama thậm chí còn tỏ thái độ lạc quan với ý tưởng sẽ chọn một số nhân vật ngoài các đảng phái, thuộc khu vực tư nhân tham gia vào nội các của mình: “Tôi muốn chọn những người có tài năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội”. Các chuyên gia phân tích đánh giá rằng, sự bất ổn chính trị khiến kinh tế Nhật Bản trì trệ đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra đã tác động mạnh đến đời sống của người dân khiến cử tri nước này mong muốn có một sự thay đổi lớn trong nước. Kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện đã thể hiện sự bất mãn của cử tri đối với LDP già cỗi, đồng thời đặt niềm tin vào khả năng lãnh đạo của DPJ để đưa đất nước vượt qua suy thoái, trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh, xứng đáng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới./. Tiến Trường (từ Tokyo)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/chuyen-giao-quyen-luc-tai-nhat-ban/20099/121093.vov