Chuyện giờ mới kể về nhà báo quả cảm Takano

'Anh ấy đã sống và chiến đấu với một tinh thần mạnh mẽ, thẳng thắn và thật đáng ngưỡng mộ'.

“Quân Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh vùng cao, vừa thấy xe, ngay lập tức đạn pháo bay đến. Chiếc xe phía trước vừa đi qua, phải nằm phủ phục xuống tránh đạn. Một chuỗi đạn pháo bùng lên dữ dội. Anh ấy bị giết chỉ vài chục phút sau đó. Trang viết này trở thành bản thảo di vật”.

Đây là lời kể của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Goro Nakamura tại buổi nói chuyện về Takano - “nhân chứng quả cảm” tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ông chính là người sống sót trong vụ phục kích của lính Trung Quốc sáng 7-3-1979 tại Lạng Sơn khiến nhà báo Takano Isao, đặc phái viên của báo Akahata - cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Nhật Bản, hy sinh.

Tay giữ chặt máy ảnh trong khoảnh khắc hy sinh

Tân Hoa Xã tuyên bố “rút quân khỏi Việt Nam” vào ngày 5-3. Do đó nhà báo Takano Isao đã đến hiện trường lấy tin” - ông Goro Nakamura mở đầu cuộc giao lưu.

Ông Goro Nakamura nhớ lại: “Chúng tôi vào TP Lạng Sơn bằng hai xe. Xe của chúng tôi bị vướng dây điện trên đường nên phải dừng lại. Chúng tôi nói “ở đây nguy hiểm lắm, các anh đi trước đi” và xe của nhà báo Takano Isao đã vượt qua chúng tôi, chạy trước. Tòa nhà Ủy ban TP Lạng Sơn đã bị phá hủy, quân bắn tỉa phục sẵn ở tầng hai nơi này. Chúng tôi vừa tiếp cận là họ bắt đầu xả súng. Nhà báo Takano đi xe trước bị trúng đạn. Anh ấy đã không rời máy ảnh cho đến tận khoảnh khắc cuối cùng khi hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Tôi ở phía sau cũng bị vây bủa bởi đạn súng máy, phải núp vào gốc cây bên đường. Anh Tước, lái xe, bị thương xuyên thấu bụng”.

Chia sẻ đến chi tiết này, giọng ông Goro khựng lại, cả khán phòng lặng im. Chỉ tay vào chiếc xe của nhà báo Takano được trình chiếu trên màn hình, ông Goro nghẹn giọng: “Xe của Takano bị hư hỏng hoàn toàn. Anh Nông Văn Đuống, người dân tộc Tày đi theo bảo vệ anh ấy, đã dũng cảm ứng chiến nhưng bị bắn đứt cánh tay, phải thoái lui. Sau này tôi mới biết anh ấy đã giấu tôi về cái chết của Takano vì sợ tôi rơi vào hoảng loạn”.

Nhớ về người bạn của mình, ông Goro Nakamura nói: “Anh ấy đã mặc áo khoác và có cả máy ảnh để dễ dàng nhận biết đó là ký giả, vậy mà vẫn bị nhắm bắn. Anh ấy đã sống và chiến đấu với một tinh thần mạnh mẽ, thẳng thắn và thật đáng ngưỡng mộ. 40 năm sau cái chết của Takano, mong anh an nghỉ nơi chín suối”.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Goro Nakamura kể về sự hy sinh của nhà báo Takano Isao tại cuộc chiến biên giới 1979. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Goro Nakamura kể về sự hy sinh của nhà báo Takano Isao tại cuộc chiến biên giới 1979. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hy vọng sớm ra mắt cuốn sách về Takano Isao

Sau khi nghe những lời chia sẻ của ông Goro Nakamura, bà Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đã bật khóc vì xúc động. Cô nói trong sự thổn thức: “Một nhà báo người Việt Nam đã nói với ông “ông hãy chạy trước đi” nhưng Takano vẫn đứng lại… Nghe đến chi tiết này, nước mắt tôi đã rơi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được dự buổi nói chuyện ngày hôm nay. Đây là những tư liệu rất hay. Nếu có thể viết thành sách và xuất bản tại Việt Nam thì thật tuyệt vời”.

Bày tỏ sự biết ơn đối với những gì mà ông Goro đã chia sẻ, bà Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, khoa Báo chí và Truyền thông cùng trường, khẳng định: “Cuộc gặp ngày hôm nay, buổi giao lưu ngày hôm nay, đặc biệt là sự có mặt của nhân chứng Goro Nakamura đã giúp tôi và các bạn sinh viên có nhiều thông tin quý giá về nhà báo Takano cũng như các nhân chứng nhà báo Nhật Bản trong cuộc chiến này”.

Đáp lại tấm lòng của những người tham dự, ông Goro Nakamura xúc động: “Tôi cám ơn tấm lòng của mọi người. Tôi nghĩ nhà báo Takano ở trên thiên đường cũng sẽ rất vui. Và chắc chắn cuốn sách về Takano Isao sẽ được xuất bản trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến sách về Takano Isao sẽ được xuất bản vào tháng 6

Tôi đang phối hợp với NXB Tổng hợp TP.HCM cùng nhóm bạn của ông Takano Isao để thực hiện một cuốn sách về ông. Dự kiến cuốn sách sẽ có tên là Takano Isao - nhà báo Nhật Bản hy sinh ở biên giới 1979 và ra mắt vào tháng 6 năm nay. Cuốn sách sẽ gồm ba phần: Phần đầu là cuộc đời của Takano, những hình ảnh, tư liệu về ông. Phần hai là những tác phẩm của ông. Phần ba là những bài thơ, bài báo của bạn bè viết về ông.

PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG,Trưởng khoa Việt Nam học,
Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Năng lực vượt trội và tình cảm đặc biệt với Việt Nam

Năng lực của Takano thật sự vượt trội. Anh ấy học tiếng Việt ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, thời miền Bắc bị ném bom. Takano nói tiếng Việt giỏi đến mức bị nhầm là người Việt Nam. Anh ấy hoàn toàn phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, của Pol Pot, của Trung Quốc và luôn ủng hộ Việt Nam.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chuyen-gio-moi-ke-ve-nha-bao-qua-cam-takano-820111.html