Chuyến hành trình đặc biệt thắm tình quân dân nơi rừng sâu biên giới Quảng Bình

Những cán bộ trẻ đoàn An ninh nhân dân trong hoạt động tháng thanh niên đã băng rừng, trèo đèo lội suối gùi những phần quà ý nghĩa vào cho đồng bào bản Dốc Mây. Chuyến hành trình vất vả nhưng đã thấm đượm sâu sắc tình quân dân nơi rừng sâu biên giới.

Đôi chân “khiêu vũ” trên đá

Qua những thông tin trên Báo điện tử Infonet phản ánh về cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, đang thiếu thốn khó khăn mọi bề của người dân bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), Đoàn thanh niên khối An ninh nhân dân – Công an tỉnh Quảng Bình (gọi tắt Đoàn tình nguyện) đã tổ chức chuyến đi thiện nguyện tặng quà cho bà con.

Để có quà tặng bà con bản Dốc Mây, các bạn trẻ Đoàn tình nguyện trước đó đã phải liên hệ, kêu gọi sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Qua vận động quyên góp, đoàn cũng trang bị cho bà con bản Dốc Mây một chiếc tivi lớn, loa máy, âm ly, đầu đĩa... để phục vụ cho tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, mỗi gia đình được trao một suất quà 300 ngàn tiền mặt.

Đường vào bản Dốc Mây đi bộ xa và rất hiểm trở.

Những ngày đầu tháng 4, Đoàn tình nguyện gồm 6 bạn trẻ cùng với phóng viên báo điện tử Infonet và 2 tình nguyện viên băng rừng vào với bà con bản Dốc Mây. Đường vào bản xa gần 20km, phải đi theo lối mòn băng qua các khe đá, luồn rừng sâu, leo núi cao chót vót. Để đưa được hàng vào, mỗi người phải chia ra rồi thay nhau gùi trên vai.

Đi qua con suối đá dẫn qua hang Biệt Kích, dốc Ông Lệ... nơi đây cảnh tượng hùng vỹ với dòng suối rộng cạn nước. Những tảng đá khổng lồ, bề mặt sắc nhọn lởm chởm nối tiếp nhau. Để băng qua khe suối, có đoạn chúng tôi phải leo qua những tảng đá lớn nối tiếp nhau, có đoạn phải luồn lách qua những khe hẹp, nơi có dấu mòn của người dân bản đi lại. Dốc Sơn Gù cao thăm thẳm nhưng không làm nản chí những người trẻ tuổi.

Những bước chân thoăn thoắt, nhịp nhàng bước trên những hòn đá lớn được sắp xếp sẵn tạo thành lối đi luồn lách duy nhất. Người sau tiếp bước theo bước chân của người đi trước tạo thành vết mòn trên đá.

Đường vào bản Dốc Mây dài gần 20km, nhưng nhiều nhất là băng qua vách đá.

Đại úy Nguyễn Trường Sinh - Phòng PA83, vừa đi vừa trò chuyện ví von vui vẻ cho anh em đỡ mệt: “Bước đi trên đá cũng thú vị như “khiêu vũ” vậy, chỉ có điều khi khiêu vũ nếu bạn bước sai thì dẫm lên chân bạn nhảy và bị “véo” vào người. Còn trên đá mà bước sai thì rất nguy hiểm; nhẹ thì bị trẹo chân, nặng thì có người khác “bỏ vào bao” gùi bạn về”.

Trời đầu mùa hạ, trong rừng nóng ẩm, sên vắt như rươi. Dù công tác chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường như bôi thuốc, bịt kín chân... nhưng mọi người trong đoàn không tránh khỏi bị vắt cắn. Để chống lại lũ vắt khát máu, cách duy nhất là bước đi thật nhanh, và nghỉ trên đá giữa suối. Dường như sự quyết liệt của lũ vắt đã làm các chiến sỹ trẻ chú ý vào đó, mà quên đi phần nào gùi hàng nặng trên vai. Hơn 4 giờ đi bộ, Đoàn đã vào đến bản.

Học tiếng Việt nhờ... hát karaoke

Bản Dốc Mây đã thêm 1 hộ mới thành lập lên con số 20 hộ hộ và 99 nhân khẩu, nhưng cuộc sống ở đây đã có sự thay đổi khi dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay. Có điện, ban đêm cả bản sáng trưng, nhà nào nhà nấy có ổ cắm để sạc đèn pin, nghe đài… Tuy nhiên, những vật dụng thiết yếu gắn liền với điện hầu như chưa có.

Các thành viên trong đoàn phải luôn thay nhau để gùi hàng vào bản.

Món quà của Đoàn tình nguyện mang vào trao tặng bà con tuy không nhiều, nhưng có giá trị tinh thần rất lớn. Bộ loa máy, âm ly, tivi được lắp đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng của bản. Trưởng bản Dốc Mây - ông Hồ Hải hứa “sẽ bảo quản tốt, dùng vào việc sinh hoạt văn hóa, họp bản và cho người dân mượn khi tổ chức cưới hỏi khi có nhu cầu”.

Trong đêm ở lại giao lưu văn nghệ giữa Đoàn tình nguyện và bà con dân bản, những tiếng hát karaoke lần đầu tiên được xuất hiện ở đại ngàn nơi biên giới. Hoạt động hát karaoke của dân bản chưa quen, nhưng người dân bản Dốc Mây rất yêu thích ca hát, và nhảy múa.

Chị Hồ Chay lần đầu tiên cầm micro còn e thẹn, ngại ngùng “bọn mình chỉ thuộc hát chứ không biết hát theo tivi”. Khi có anh Sinh trong đoàn dẫn ra hát thì chị Chay mới mạnh dạn cất tiếng ca.

Tiếng nhạc vang lên, bên ngọn lửa bập bùng, dân bản và các thành viên Đoàn thiện nguyện nhảy múa suốt đêm.

Thượng úy Đinh Xuân Hoàng-Phòng PA72, thành viên tình nguyện cùng đoàn giải thích: “Bà con Vân Kiều ở bản Dốc Mây rất yêu ca hát, nhưng họ mới chỉ học tiếng Việt nhờ các lớp xóa mù của Bộ đội Biên phòng; vì thế việc nhận biết mặt chữ tiếng Việt còn chậm. Khi hát karaoke thì chữ trôi nhanh, họ hát chưa quen nên nhìn mặt chữ chưa kịp. Nếu duy trì sinh hoạt văn hóa, dạy học tiếng Việt bằng hát karaoke ở bản sẽ sinh động hơn, giúp bà con yêu thích và ham học tiếng Việt. Đặc thù bản Dốc Mây tách biệt với bên ngoài, bởi vậy nội dung các bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu, tình bạn sẽ làm thêm phong phú tâm hồn con người nơi đây”.

Để sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị về sinh hoạt cộng đồng, dạy học tiếng Việt, các chiến sỹ trẻ hướng dẫn trưởng bản và cán bộ mặt trận bản cách thức sử dụng, bảo quản các thiết bị rất chu đáo. Cách sửa chữa những hư hỏng khi cần thiết trong quá trình sử dụng. Những thao tác cơ bản với người miền xuôi, nhưng với dân bản Dốc Mây còn lạ lẫm và khó khăn, bởi lần đầu họ mới thấy, mới biết và tiếp xúc thế nào là đồ điện tử.

Thượng úy Nguyễn Trường Sinh (Phòng PA83) thay mặt Đoàn thiện nguyện tặng quà cho các hộ gia đình bản Dốc Mây.

Trên đường trở về, mọi người trò chuyện và hứa hẹn sẽ tổ chức quay trở lại bản để thăm bà con, và hơn hết để góp giúp bà con Dốc Mây những thứ cần thiết để từng bước cải thiện cuộc sống. Bản đã có điện mặt trời, nhưng con suối quanh bản lại bị cạn khô, bởi vậy bà con phải trèo đèo đi gánh nước xa 600-700m.

“Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã Trường Sơn được biết, dự án đặt máy bơm nước cho bản Dốc Mây đã có, tuy nhiên nguồn nước cạn nhiều nên phải thiết kế lắp đặt ống xa hơn. Giờ thiếu 1200m ống nước nữa thì mới thi công được. Chúng tôi mong muốn kêu gọi cá nhân, tổ chức của ít lòng nhiều cùng chung tay để đủ số tiền mua 1200m đường ống dẫn nước giúp bà con”, đồng chí Sinh đau đáu.

Lặn lội vào bản rất khó nhọc, nhưng trong mỗi thành viên Đoàn thiện nguyện vẫn luôn ấp ủ ngày trở lại thăm bản lần sau, với hy vọng giúp bà con Dốc Mây được nhiều hơn.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-hanh-trinh-dac-biet-tham-tinh-quan-dan-noi-rung-sau-bien-gioi-quang-binh-post258442.info