Chuyện hạt gạo hữu cơ 'vượt khó' ở vùng đất ven đô Đồng Phú

Khó khăn lớn nhất của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú ở thời điểm này là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, bởi các doanh nghiệp đối tác của HTX đang gặp khó khăn đầu ra. Do đó, làm thế nào để đảm bảo đầu ra và thu nhập cho thành viên là 'bài toán' mà lãnh đạo HTX đang quyết tâm tìm ra lời giải.

Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được biết đến là phương pháp đem lại giá thành cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản phẩm thông thường. Đây còn được đánh giá là một trong những mô hình nông nghiệp điển hình của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn, việc mở rộng, phát triển mô hình này hay tiêu thụ sản phẩm từ mô hình trồng lúa hữu cơ bị chững lại.

Để người dân được hưởng sản phẩm sạch, môi trường sạch

Chia sẻ với phóng viên Vnbusiness, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hiện tại, HTX có 95 thành viên, HTX sản xuất lúa hữu cơ theo phương pháp bón phân chuồng ủ hoai mục, không sử dụng chất hóa học như thuốc trừ sâu, cỏ, chất kích thích, chất bảo quản.

Về hiệu quả kinh tế, bà Nguyệt chia sẻ, mục đích thành lập HTX không hướng đến lợi nhuận mà chỉ đơn thuần là duy trì sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cho chính người dân ở xã được hưởng sản phẩm sạch, môi trường sạch. HTX cũng là nơi đại diện, kết nối cho bà con nông dân, người dân có được thu nhập từ phương pháp trồng lúa này, và chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì. Nếu người dân sản xuất ổn định, thu nhập từ trồng lúa nông nghiệp hữu cơ có thể lãi đến gần 2 triệu đồng/sào. Những vụ mất mùa sẽ thấp hơn với khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng/sào.

Ngoài ra, vị giám đốc HTX cũng tâm sự, lúc đầu mới chuyển đổi phương pháp này, năng suất lúa thấp hơn so với phương pháp truyền thống. Sau 3 năm, năng suất đã tăng lên, bởi đất được trả về tự nhiên rất tơi xốp, giàu dinh dưỡng khi bón phân chuồng. Còn nếu tiếp tục sử dụng phương pháp thông thường, bón phân hóa học sẽ làm đất bị thoái hóa, chai cứng.

Về lâu dài, phương pháp hữu cơ sẽ giúp bảo vệ môi trường. Theo đó, dần dần, năng suất lúa sẽ cải thiện khi đất được trả lại tự nhiên, khi đó phương pháp hữu cơ sẽ đem lại nhiều sản lượng hơn so với phương pháp thông thường.

Diện tích lúa hữu cơ của HTX hiện có 65ha trên tổng diện tích nông nghiệp của xã là 230ha. Sản lượng trên 1ha của HTX nếu được mùa có thể lên đến 8,8-9,4 tấn/ha. Vụ Xuân năm nay, sản lượng đạt khoảng 7,2 - 7,5 tấn/ha.

Theo chia sẻ của giám đốc HTX, sản xuất lúa hữu cơ sẽ tốn nhiều công sức của người nông dân hơn phương pháp truyền thống. Ví dụ, 200kg phân chuồng chỉ bằng 10 kg phân đạm, hay với 1 gói thuốc trừ sâu khi dùng phương pháp truyền thống, người nông dân chỉ phun cỏ trong 1 ngày, trong khi theo phương pháp hữu cơ phải làm cỏ đến 3 ngày.

Nói về thực trạng trên thị trường vẫn có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin, bà Nguyệt chỉ ra cách phân biệt như lúa được bón phân đạm sẽ xanh rì còn lúa hữu cơ lại phát triển chậm hơn, nhưng sẽ tốt dần theo thời gian và cứng cây ngay sau đó. Ngoài ra, sản phẩm của HTX sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng năm từ các tổ chức chứng nhận của Nhà nước như: Trung tâm phân tích và chứng nhận sản phẩm; công ty NHONHO về dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm...

Khó khăn nhất là vấn đề đầu ra chưa được đảm bảo

Hiện tại, HTX đã phối hợp cùng doanh nghiệp bao tiêu dán tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi lúc có thể kiểm tra xác thực thông tin nhanh nhất. Đây là cách mà Đồng Phú vừa nâng cao được giá trị cho hạt gạo hữu cơ vừa tạo được niềm tin vững chắc với người tiêu dùng Thủ đô. Sản phẩm của Đồng Phú đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, xuất khẩu sang những thị trường Mỹ, châu Âu…

Nhưng từ vụ mùa năm 2022, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi việc giao gạo vào thị trường của HTX chưa đảm bảo yêu cầu về chế biến, xay xát và đóng gói theo tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nên HTX cũng đang gặp nhiều vấn đề như giá cả, tiêu thụ sụt giảm, chậm thanh toán tiền cho bà con nông dân...

HT X được đánh giá là một trong những mô hình nông nghiệp điển hình của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyệt nhấn mạnh, khó khăn nhất là vấn đề đầu ra chưa được đảm bảo trong thời điểm này, nên HTX đang trong giai đoạn duy trì chứ chưa phát triển thêm. Theo đó, HTX tổ chức cho bà con phát triển thêm diện tích trồng lúa hữu cơ hàng năm, nếu không bán được sẽ tự sử dụng, bởi gạo luôn là thực phẩm không bao giờ dư thừa.

"Trước đó, HTX có liên kết với Công ty Green Park, sau đó đến công ty Bảo Minh, nhưng lại tiếp tục gặp khó khăn. Doanh nghiệp tiêu thụ lúa tươi, đảm bảo đầu ra cho bà con nhưng khi ra đến thị trường, họ chưa thể kiện toàn được hết hệ thống xay xát, chế biến và đóng gói", bà Nguyệt nói.

Với quy mô và cách thức hoạt động như hiện tại, nếu HTX đầu tư hệ thống như trên, sẽ không “kham” được hết việc sản xuất, marketing, thị trường, tổ chức sản xuất. Song, có một điểm thuận lợi để HTX có thể phát triển bền vững là việc đô thị hóa không làm ảnh hưởng đến HTX nông nghiệp, không làm giảm diện tích canh tác, trồng trọt.

Mong muốn được giới thiệu doanh nghiệp để hợp tác, đầu tư

Thương hiệu gạo Đồng Phú được rất nhiều người biết đến, nhưng để xây dựng thương hiệu này phát triển hơn, bà Nguyệt cho rằng, cần phải quảng bá, giới thiệu khá tốn kém, còn việc xay xát, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm được HTX tin tưởng giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nhà phân phối, chịu trách nhiệm trực tiếp với thị trường, nếu không đảm bảo chất lượng mà phối trộn hạt gạo của HTX với các sản phẩm gạo khác, khách hàng sẽ không còn tin tưởng, ảnh hưởng không chỉ DN mà cả HTX.

Dự kiến hết năm 2023, công ty chế biến nông sản Bảo Minh mới có quyết định giao đất để xay xát, đóng gói sản phẩm cũng như có chứng nhận chế biến theo tiêu chuẩn. Từ đó có thể đưa đúng sản phẩm của HTX ra thị trường theo đúng quy trình sản xuất.

Trong thời gian tới ngoài việc sản xuất lúa gạo, HTX còn có thể phối hợp với doanh nghiệp để đa dạng hóa thêm sản phẩm như chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo làm sản phẩm hỗ trợ cho những người ăn kiêng hoặc ăn điều trị bệnh…

Nhằm hướng tới phát triển bền vững thương hiệu gạo hữu cơ Đồng Phú, chính quyền địa phương cũng vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tham gia vào mô hình HTX. Song, bà Nguyệt đề xuất, mong muốn được liên minh HTX Việt Nam và thành phố Hà nội giới thiệu doanh nghiệp có thể hợp tác đầu tư, đảm bảo thêm đầu ra cho bà con nông dân. "Việc ký hợp đồng phải là độc quyền, phải có ràng buộc với nhau chứ không thể có hiện tượng doanh nghiệp ép giá", bà Nguyệt nhấn mạnh.

Thanh Hồng – Nguyễn Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chuyen-hat-gao-huu-co-apos-vuot-kho-apos-o-vung-dat-ven-do-dong-phu-1094661.html